3 BƯỚC CHUYỂN HÓA BẢN THÂN (P2 – HIỂU)

Ở bài viết trước, mình đã nói về bước đầu tiên của bản thân trên hành trình chuyển hóa – CHẤP NHẬN.

Sau khi đã có thể CHẤP NHẬN – chấp nhận con như con đang là, chấp nhận mình như mình đang là, chấp nhận hiện tại đang hiển bày, mình mới có thể đi đến bước thứ 2 – HIỂU.


Mình hay nhận được những câu hỏi:

Chị ơi, bé nhà em 2 tuổi thì chơi được cái j?

Cậu ơi bé nhà tớ 3 tuổi thì cho con làm gì được?

Mình thường hỏi lại: Thế bé nhà em/nhà cậu thích cái gì?

Nếu là mình trước kia, có thể mình sẽ ngay lập tức đưa ra những hoạt động phù hợp với các bé trong độ tuổi đó.

Nhưng qua nhiều lần quan sát và trải nghiệm, mình thấy không có hoạt động nào là phù hợp với mọi đứa trẻ. Mỗi đứa trẻ sẽ có một thiên hướng, sở thích khác nhau, có những thứ trẻ đặc biệt hứng thú, dễ dàng tiếp thu mà không cần nhiều nỗ lực. Nhưng cũng có những thứ khiến trẻ ngay lập tức đóng mọi giác quan, trải nghiệm cho dù nó có hấp dẫn đến đâu.

Bởi vậy trước khi tìm hiểu và lựa chọn một hoạt động, phương pháp nào cho con, bạn phải HIỂU con, lựa chọn trên nhu cầu của trẻ chứ không phải nhu cầu của bố mẹ!

HIỂU CON

Vậy làm cách nào để hiểu nhu cầu của con?

Hãy dành cho con THỜI GIAN, sự QUAN SÁTLẮNG NGHE.

Bước đầu tiên, ta cần dành THỜI GIAN để CÓ MẶT bên con.

Để thật sự có mặt bên con, ta cần cất bỏ chiếc điện thoại sang 1 bên. Không chỉ thế, ta cần dẹp bỏ cả những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu về 1 dự án nào đó hay về bất cứ thứ gì đang cản trở ta tiếp xúc với con trong khoảnh khắc hiện tại.

Nhiều cha mẹ thường nói họ dành 1-2 tiếng đồng hồ cho con. Nhưng trong 1,2 tiếng ấy, có bao nhiêu thứ lướt qua trong đầu họ. Nếu không phải là cái điện thoại thì cũng là những dự án, công việc còn dang dở. Thân xác họ có dành 1,2 tiếng bên cạnh con, nhưng tâm của họ đang mải miết ở 1 nơi nào đó xa xôi lắm… Bản thân mình cũng đã rất nhiều lần như vậy. Thế nên, nói là dành 1,2 tiếng cho con, kỳ thực có khi mình dành chưa được 5,10 phút thật sự có mặt bên con.

Hãy thật sự có mặt, HIỆN DIỆN bên con, dù chỉ là 15-20 phút mỗi ngày.

Khi đã có thời gian cho con, hãy QUAN SÁT

Mắt chỉ nhìn thấy những gì mà tâm để ý!

Câu nói này theo mình đã rất lâu và càng ngày mình càng mới có thể hiểu rõ nó.

Đã bao giờ bạn từng đi trên 1 đoạn đường đến hàng trăm lần, nhưng không hề nhận ra có rất nhiều hiệu photocopy? Cho đến khi bạn cần photo 1 tài liệu gì đó, bạn mới nhận ra sao có nhiều hiệu photocopy trên đường đến thế? Hay đúng hơn, vì tâm mình không để ý nên mắt mình không thể nhận biết. Mắt chỉ nhìn thấy những gì mà tâm để ý đúng là vậy!

Cũng như vậy, khi Tâm của bạn không ở đây, không để ý quan sát con, thì dù cho con phát ra bao nhiêu tín hiệu, bao nhiêu chỉ dẫn, bạn vẫn không thể nhận ra.

Hãy ngồi bên con, dành sự tập trung chú ý cho con, học cách quan sát con, quan sát những tín hiệu con phát ra…

và LẮNG NGHE…

Lắng nghe là 1 từ rất hay!

Bạn phải LẮNG rồi mới có thể NGHE.

Lắng tâm, lắng lòng, lắng mọi “xôn xao”, “vận động” bên ngoài xuống thì bạn mới có thể NGHE được những gì con nói.

Hãy lắng nghe một cách thật sự, đừng vội đưa lời khuyên răn, dạy dỗ, đừng vội phán xét, dán nhãn cho những hành vi, cảm xúc tiêu cực của con.

Lắng nghe để thấu hiểu và nhận biết nhu cầu thật sự đằng sau những phản ứng tiêu cực của con. Con, 1 phần vì còn bé, 1 phần vì chưa được hướng dẫn cách biểu lộ cảm xúc phù hợp, nên thường có những hành vi không như mong muốn. Do đó, rất cần sự quan tâm, chú ý, sự kiên nhẫn lắng nghe, quan sát của cha mẹ.

Những đứa trẻ rất cần cha mẹ hiểu chúng, và chúng sẽ làm điều đó dưới nhiều cách thức khác nhau.

Hãy học cách thấu hiểu và nói cùng 1 ngôn ngữ với con!

HIỂU CHÍNH MÌNH

Con người ngày nay khá kì lạ!

Chúng ta biết rõ nhà người này đi đâu, nhà người kia đang ăn gì, con nhà người ta giỏi cái gì, nhưng lại không thể biết con mình đang mong muốn thật sự điều gì.

Chúng ta biết mọi điều về người khác, họ ăn gì, đi xe nào, cuộc sống ra sao, nhưng lại không hay biết về chính mình?

Ta có thể cúi mặt vào chiếc điện thoại hàng giờ đồng hồ, nhưng không thể dành ra 10 phút để đối diện với chính mình.

Ta biết những gì diễn ra cách ta nửa vòng trái đất, nhưng lại không biết những gì đang diễn ra trong chính mình trong từng giây phút cuộc đời.

Mình có thật sự hiểu mình như mình nghĩ?

Mình có hiểu mình đang cảm thấy gì, mình đang nghĩ gì, mình đang nhìn thấy gì? Điều gì ẩn sâu bên trong khiến mình nghĩ và làm như vậy? Có những nỗi sợ hãi nào ẩn sau sự tức giận của mình? Có những góc tối cảm xúc bị đè nén nào ẩn sau cách mình trừng phạt con?

Mình có hiểu những ước mơ, khát vọng sâu kín nhất của mình? Mình có biết điều gì khiến mình thật sự hạnh phúc hay điều gì thôi thúc mình mỗi ngày?

Quay trở về chính mình, dành thời gian để phản chiếu và nhìn chính mình, bạn sẽ nhận ra, mình chưa hiểu mình như mình tưởng.

Chỉ khi chúng ta chấp nhận ta như mình đang là, khi đó, ta mới có đủ dũng cảm để đối diện với chính mình, để dành thời gian nhìn thấu những niềm vui và nỗi buồn, những hạnh phúc và niềm đau, những vết thương và sợ hãi ở trong chính mình.

Hiểu được chính mình, bạn sẽ nhận thấy 1 sự thật to lớn:

Cuộc sống không phải xảy ra ĐỐI VỚI bạn,

nó xảy ra TỪ PHÍA BẠN.

Cùng là 1 sự việc, có thể người khác không tức giận, nhưng mình lại tức giận.

Cùng là 1 hành động, có thể người khác cho là bình thường, nhưng đối với mình lại là không thể chấp nhận được.

Cùng là 1 trò đùa của con, có khi bạn vui vẻ chấp nhận, nhưng có khi bạn lại tức giận quát tháo.

Vấn đề không nằm ở con, không nằm ở những hành động, sự việc ở bên ngoài. Nó nằm ở cách bạn phản ứng với những hành động, sự việc đó, ở cách bạn tiếp nhận, dán nhãn và phản ứng với những thứ bạn cho là tốt/xấu đó.

Hiểu được chính mình, hiểu những gì tác động đến thế giới quan, đến cảm xúc và cách mình hành xử, bạn mới có thể lùi lại 1 bước và giải quyết tận gốc rễ của mọi vấn đề.

Vấn đề luôn nằm ở bạn. Con cái hay những người xung quanh chỉ là tấm gương phản chiếu để bạn nhận ra vấn đề của chính mình.

Khi bạn không cho con làm 1 việc gì đó, con có thể nói: Mẹ thật ích kỉ, lúc nào cũng làm theo ý mẹ mà không bao giờ theo ý con cả.

Ngay lúc đó, bạn có thể chọn cách im lặng, cho con trải nghiệm sự thất vọng, hoặc có thể ngay lập tức bảo vệ cái tôi “cao cả” của mình. Bạn có thể mắng con là ích kỉ, mè nheo, khiến con cảm thấy có lỗi.

Nhưng khi bạn hiểu chính mình, bạn hiểu rằng mình đang “sợ” lời phán xét của con, sợ cảm giác ích kỷ con đã khơi lên trong lòng mình và ra sức chối bỏ, xoa dịu nó bằng cách khiến con cảm thấy có lỗi.

Do đó, hiểu chính mình là một bước đi vô cùng quan trọng trên quá trình chuyển hóa của mỗi người. Thực tế là ta khó có thể hiểu con hay hiểu bất kỳ ai khi chưa hiểu rõ chính mình.

Khi đối diện với những tình huống không như ý mình, hãy thử lùi lại 1 bước và tự hỏi bản thân:

Mình đang cảm thấy gì? Tại sao mình lại cảm thấy như vậy? Lý do thật sự khiến mình tức giận, khó chịu là gì???

Nếu bạn là 1 tỷ phú, khi bạn giả mặc quần áo của người nghèo và đi trên phố, có ai đó chế giễu bạn là đồ nhà nghèo rách rưới, bạn có cảm thấy khó chịu không?

Không, vì bản thân bạn biết bạn giàu có hơn bất cứ ai ở trên khu phố này. Bạn chỉ khó chịu khi bạn trong bạn có cảm giác nghèo khó, túng thiếu đó.

Cũng như vậy, nếu bạn có sự giàu có nội tâm, thật sự hiểu và biết chính mình, bạn sẽ thấy rằng không ai có thể làm bạn tức giận, thất vọng…nếu không được sự cho phép của bạn.

Hãy hiểu và biết chính mình. Nó sẽ là 1 bước tiến lớn trên con đường chuyển hóa của bạn, không chỉ trong vai trò làm cha mẹ, mà trong tất cả mọi vai trò mà bạn đảm nhận trên cuộc đời này!

Be yourself, always!

Hằng SN


Series bài viết: 3 bước để chuyển hóa bản thân trên con đường làm cha mẹ sẽ được mình post trên blog đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Nếu bạn cảm thấy hứng thú, hãy đăng ký email để nhận thông báo về bài viết mới nhất. Hẹn gặp lại các bạn vào thứ Tư tuần sau với Bước 3 của quá trình chuyển hóa bản thân mình nhé. Cảm ơn các bạn đã đón nhận và cùng mình chia sẻ!

Đăng ký để nhận bài viết mới

2 thoughts on “3 BƯỚC CHUYỂN HÓA BẢN THÂN (P2 – HIỂU)”

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *