Mấy ngày hôm nay, ở thành phố mình, Covid quay trở lại với số lượng nhiều nhất từ trước đến nay! Tin tức liên tục được lan truyền và xôn xao. Mọi người hầu như đều có tâm trạng hoang mang lo lắng!
Và mình cũng không phải ngoại lệ! Cũng lo lắng, hoang mang. Không biết mọi thứ sẽ như thế nào!
Sau 3 ngày, khi đã tiếp nhận thông tin và dần bình tĩnh lại, mình thấy, đợt covid này không khác gì một “cơn bão”.
Và nó rất có thể là 1 cơn “bão kép” – “cơn bão bên ngoài” làm dậy lên cả những “cơn bão trong lòng”, nếu bạn không có một sự chuẩn bị tâm lý, một nội lực vững vàng!
Đó chắc cũng là lý do vì sao WHO chọn năm 2021 là năm của sức khỏe tinh thần – Mental Health. Bởi khi dịch bệnh Covid-19 đến, nó không chỉ gây ra những thay đổi, sự tàn phá về sức khỏe thể chất, sinh mạng của con người, mà nó còn mang đến rất nhiều hệ lụy về sức khỏe tinh thần với tất cả mọi người – những vấn đề đôi khi không thể nhìn bằng mắt thường, không thể chụp ảnh X-quang, mà chỉ có thể cảm nhận – nhưng nó có thật, và nó có thể đe dọa cuộc sống của chúng ta không kém gì những gì virus Sars-Covi 2 có thể làm với cơ thể của con người!
Do đó, ngoài việc thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, ngoài việc hạn chế đi lại, tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm của virus, có chăng, chúng ta cũng nên có sự “phòng ngừa” cho tâm hồn, chuẩn bị sẵn những liều “vắc xin” giải tỏa sự lo lắng, sợ hãi, giận dữ – để chúng ta có thể có sự mạnh khỏe về cả thể chất và tinh thần!
KHI BÃO ĐẾN, BẠN LÀM GÌ?
Tưởng tượng bạn đang ở nhà, và bạn thấy trên trời mây đen kéo đến đen sì, gió thổi ngày càng mạnh, báo hiệu 1 cơn bão đang đến rất gần!
Lúc đó, bạn làm gì?
Chạy ra chạy vào để đóng các cửa sổ, cửa chính, cửa ban công, tránh cho cơn bão, tránh cho mưa gió tràn vào nhà qua các cánh cửa đang mở.
Đó là điều hiển nhiên!
Ai cũng làm vậy!
Nhưng có thật sự là như vậy?
Bạn đã từng thấy ai khi bão đến thì chạy đi mở toang các cửa ra, thậm chí lao ra ngoài hầm hè, văng tục chửi thề, quyết 1 phen sống mái với cơn bão như sập trời đổ đất?
Nghe có vẻ điên rồ đúng không?
Nhưng mình đã từng nhìn thấy!
Đó chính là mình.
Là khi mình tức giận!
Giận vì những chuyện không như ý mình! Giận con người, giận hoàn cảnh không như ý mình!
Giận vì tắc đường, giận vì người kia nói cái này, người này làm cái kia, tức giận vì con cái lề mề, vì chồng không hiểu, thậm chí giận vì đèn đỏ phải chờ lâu, giận vì đến cửa hàng hết món đồ cần mua…
Những cơn giận – nào có khác những cơn bão!

Giả thử cơ thể của bạn chính là ngôi nhà, đôi mắt, đôi tai chính là những chiếc cửa sổ, và miệng bạn là cửa chính!
Vậy khi bão đến, bạn làm gì?
Hay nói cách khác, khi cơn giận đến, bạn làm gì?
Có phải là sẽ nóng phừng phừng, lao ra ngoài tranh cãi, đấu khẩu, tranh giành cho bằng được?
Có phải là sẽ văng tục chửi rủa, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác?
Đó chẳng phải là lao ra ngoài cơn bão, chửi thề, khiêu chiến với cơn bão?
Điều nghe có vẻ buồn cười, nhưng là cách đa phần mọi người (trong đó có mình) đang làm.
Mở toang cửa, để cho những cơn mưa bão táp vào, làm tan hoang nhà cửa, xáo trộn mọi thứ!
Để rồi sau đó ngồi với 1 đống đổ vỡ, méo mó, hoang tàn sau cơn bão!

Cơn bão thường có dự báo thời tiết báo trước!
Cơn giận cũng thế!
Có điều bạn giận nhanh đến mức không nhận ra là cơ thể bạn đã dự báo cho bạn!
Bạn giận nhanh đến mức không kịp nhận ra, thật ra có 1 KHOẢNH CÁCH giữa những điều hoàn cảnh, con người, môi trường xung quanh mang đến cho bạn và phản ứng của bạn!
Nhiệm vụ của bạn, là luyện tập để kéo dài khoảng cách đó ra!
Đèn đỏ, kẹt xe có thể không làm bạn tức giận, nếu trong bạn đang không có nỗi sợ muộn giờ!
Những lời nói, hành động của người khác có thể không làm bạn tức giận, nếu bạn không giả định là mọi điều người khác nói hay làm đều nhắm vào bạn, nếu bạn không vơ những câu nói, hành động của người khác vào mình.
Vậy có phải thật sự là hoàn cảnh, con người xung quanh mang cơn giận, mang “bão” đến cho bạn, hay nó nằm ở cách bạn diễn giải, cách bạn phản ứng với những điều kiện ngoại cảnh đó?
Nếu trong bạn không có sẵn hạt giống giận, dễ gì người khác khơi được nó lên trong bạn!
CÓ GÌ TRONG “NHÀ” CỦA BẠN?
Thật ra nếu trong ngôi nhà là những khối cẩm thạch vững chắc, kể cả bạn có mở toang cửa thì dễ gì cơn bão làm suy chuyển được đồ đạc trong nhà của bạn. Cùng lắm là chỉ ướt át nền nhà chút thôi!

Nhưng trong “nhà của chúng ta” lại toàn là những thứ “mong manh dễ vỡ,” là những tờ giấy dễ ướt, là những đồ vật thủy tinh dễ vụn. Nên chỉ cần 1 chút bão thôi, 1 vài cơn gió mạnh, 1 vài hạt mưa rào là làm cho ngôi nhà xáo trộn, tan hoang hết cả.
Vậy nên, nếu bạn chưa phải là những “khối cẩm thạch vững chắc“, chưa phải là 1 người có nội lực vững vàng, thì khi “cơn bão” đến, hãy khôn ngoan gìn giữ “ngôi nhà” của mình!
Hãy “đóng” tất cả các “cửa” lại! Mắt thôi phóng ra ngoài, miệng thôi lao theo đối tượng!
Quay vào bên trong, quay vào ngôi nhà của mình, im lặng và quan sát trận bão đi qua!
Dù gió có gào, dù mưa có đập dữ dội như thế nào đi nữa, bạn vẫn an toàn trong “ngôi nhà” này, bạn vẫn có “ngôi nhà” này để trú ẩn.
Khi Covid đến, nếu bạn đã làm đầy đủ những việc cần thiết, đã làm hết những việc mình có thể làm để phòng chống dịch bệnh cho mình và những người xung quanh, thì hãy tạm đặt những lo lắng, sợ hãi của mình xuống!
Lo lắng, sợ hãi, không làm tình hình trở nên tốt hơn, ngược lại, nó làm suy yếu hệ miễn dịch, suy yếu sức khỏe thể chất của bạn!
Bởi vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất, hãy quay vào chăm sóc cả sức khỏe tinh thần của mình! Khi bạn khỏe mạnh, bạn mới có thể giúp người khác!
Hãy quay vào bên trong, hàm dưỡng các giá trị tinh thần!
Rồi dần dần bạn sẽ thấy, “ngôi nhà” của bạn sẽ vững chãi hơn, những “cơn bão” cũng ít ảnh hưởng dữ dội đến bạn hơn!
Hãy để mỗi “cơn bão” là 1 “viên gạch” giúp bạn xây dựng “ngôi nhà” của mình chắc chắn hơn!
Vậy bây giờ, khi bão đến, bạn làm gì?
Nếu bạn yêu thích những bài viết của mình, hãy đăng ký email để được nhận thông báo về những bài viết mới nhất của mình nhé. Mình sẽ post bài đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Cảm ơn các bạn và hẹn gặp lại các bạn vào thứ Tư tuần sau!
Bài viết rất hay. ” Đóng tất cả các cửa lại,quay lại bên trong,quay vào ngôi nhà của mình, im lặng và quan sát trận bão đi qua” . Cơn bão cảm xúc thường đến rất nhanh nhưng khi thực hành thiền định hàng ngày, thực hành việc ngưng ko suy nghĩ ,quay trở lại hơi thở của mình,những lúc làm việc thì tập trung vào việc mình đang làm và dần dần quan sát được suy nghĩ,cảm xúc của bản thân đã giúp c đang dần hiểu được bản thân và cảm thấy bình an hơn. Cảm ơn em đã chia sẻ.
Cảm ơn chị đã đón nhận! Chúc chị luôn bình an ạ <3