Trưa nay về, mình đi qua phòng con và nhìn thấy chiếc bàn này.

1 chiếc bàn bừa bộn, trên bàn bày kín mọi thứ lung tung, gần như không còn chỗ để đặt bất cứ thứ gì.
Trong đầu thầm nghĩ: “Đợt này làm thiệp tặng thầy cô nhiều nên bày lung tung ghê, giấy màu bìa các kiểu. Mà hình như người sáng tạo hay bày bừa bộn như thế này nhỉ. Chính mình khi hoàn thành xong mỗi bản vẽ cũng bày lung tung hết cả.”
Nghĩ đến đây, mình chợt mỉm cười và định đi tiếp.
Nhưng rồi, mình khựng lại….
Suy nghĩ gì vừa hiện lên trong đầu mình thế ?
Hai tuần trước thôi, cũng là chiếc bàn bừa bộn này (có khi còn không bày nhiều bằng hôm nay), mình đã khó chịu và mắng con sa sả vì: Để bàn bừa bộn không còn chỗ nào ngồi học được. Làm xong không dọn luôn đi à. Ngồi học trên đống rác như vậy cũng học được à. Vào dọn ngay…
Cũng là tình huống này, vài tuần trước, mình đâu có thể mỉm cười và bỏ qua như hôm nay!
Chiếc bàn không thay đổi, hành động của con cũng vẫn vậy, nhưng điều gì đã khiến suy nghĩ và phản ứng của mình trong 2 lần khác nhau đến vậy?
Mình lần lại theo trí nhớ….
Hai tuần trước, mình trở về nhà sau 1 ngày mệt mỏi. Công việc có những chỗ khúc mắc, nhiều việc bản thân chưa hoàn thành như mong muốn. Đi về đón con còn phải vượt qua dòng người tắc đường 2 bên trước cổng trường, nhích từng tí một. Đã thế về còn thêm cái đuôi là bạn Bơ cứ liên tục đòi nhành nhạch hết cái này đến cái kia, quăng đồ chơi lung tung khắp nhà dọn không xuể…
Nghĩ đến đây, tự mình cảm thấy lúc đó, chắc mình giống như 1 cái ấm đun nước sôi 99 độ, mọi thứ đầy ứ, rung chuyển lắc lư trong đầu.
Đến khi ngẩng lên, nhìn thấy cái bàn học của bạn lớn… thì thôi, khoảnh khắc trào dâng! “Chiếc ấm đun nước” chuyển ngay lập tức lên 100 độ, “nước” trào ra tung tóe khắp mọi nơi, “đổ” lên người con gái mình bằng những trích đoạn sa sả mình đã kể trên.
Tự nhiên nghĩ lại nếu mình là con , chắc chắn sẽ cảm thấy rất khó hiểu!
Cũng là chiếc bàn bày bừa bộn này, không hiểu sao có lần mẹ thấy thì chẳng nói gì, vẫn bình thường nhẹ nhàng, trong khi có lần thấy lại mắng sa sả như thế nhỉ?
Nghĩ đến đây, 1 khoảnh khắc vụt lóe sáng trong đầu mình!
Hóa ra cảm xúc khó chịu/dễ chịu của mình, KHÔNG ĐẾN TỪ HÀNH ĐỘNG CỦA CON!
Mà nó đến từ CHÍNH MÌNH, từ bên trong mình.
Giống như khi mình cầm 1 cốc cafe, 1 ai đó vô tình va vào, khiến cafe đổ ra ngoài.
Ai đã làm đổ cafe?
Người va vào mình?
Không đúng!
Mình làm đổ cafe, vì trong cốc của mình có cafe.
Thử tưởng tượng trong cốc của mình là nước lọc xem, mình sẽ làm đổ nước lọc.
Chiếc bàn bừa bộn của con mình, không khác gì “1 ai đó va vào mình”.
Hai tuần trước, mình cầm “cốc cafe” của sự tức giận, stress, mệt mỏi tích tụ, nên khi bị “va vào” chiếc bàn của con, mình đổ tung tóe cafe lên người con và mình, bằng những câu nói của sự tức giận, khó chịu.
Đến hôm nay, khi mình cầm 1 cốc nước, của sự bình an và nhẹ nhàng, “va vào” chiếc bàn của con, chỉ làm sánh ra trong mình suy nghĩ về sự sáng tạo và góc làm việc của 1 người yêu nghệ thuật. Lúc này, mình đổ lên người mình và con, sự biết ơn vì có 1 cô con gái cùng sở thích với những thứ handmade.
Nghĩ lại mà xem, chắc chắn đã có không ít lần, cùng 1 hành động của con (làm vỡ đồ, vẽ lên tường, bày bừa bộn, đòi xem thêm 5 phút…), nhưng bạn đã phản ứng hoàn toàn khác nhau.
Vậy mấu chốt của sự khác nhau đó là gì?
Đó chính là ở BẠN, ở chính thứ đang diễn ra bên trong bạn!
Chấp nhận điều này quả thực không dễ dàng.
Nhưng một khi đã chấp nhận, thì mình trở thành người nắm lấy quyền làm chủ cuộc đời mình!
Nếu những gì mình phản ứng hàng ngày, không đến từ hành động của những người khác, mà đến từ chính mình, thì tốt rồi, nó là thứ mình có thể làm chủ!
Việc làm mẹ, giờ đây sẽ chuyển thành việc quay vào bên trong và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.!
Tập trung tìm những cách khác nhau để đổ đầy trong “cốc” của mình với sự biết ơn, niềm vui, sự bình yên, thay vì sự tức giận, chua chát, tâm lý nạn nhân, đổ lỗi…
Để khi gặp phải những tình huống khó khăn khiến “chiếc cốc” rung chuyển, thì nó sẽ chỉ tràn ra sự biết ơn, niềm vui, sự bình yên…
Và mình tin chắc, cả mình và con, đều thích đón nhận 1 chiếc cốc sóng sánh “đổ ra” những “giọt nước” của sự biết ơn, niềm vui, sự ghi nhận – giống như suy nghĩ của mình khi nhìn thấy chiếc bàn bừa bộn trưa nay của con!
Còn bạn, bạn đang “làm đổ” gì, ra chiếc bàn bừa bộn của con?
À, hay nên phải hỏi: Có gì trong cốc của bạn?
P/S: Nhận ra điều này khiến mình không khỏi áy náy vì đã không biết bao lần mang sự tức giận từ bao nhiêu thứ khác tích tụ để đổ lên 1 hành động nhỏ của con. Nghĩ lại, đến giờ càng ngấm câu: Hành trình nuôi dạy con cái chính là hành trình phát triển của cha mẹ. Con chính là nhân chứng chứng kiến hành trình thay đổi và trưởng thành của mình – hành trình của 1 người mẹ chưa tốt nhưng đang học cách tốt lên mỗi ngày 1 chút.
Tự nhủ mình 2 điều:
1/ Biết ơn con vì con đã đến cho mình cơ hội làm mẹ và tu sửa chính bản thân mình
2/ Con mình chắc không cần 1 người mẹ hoàn hảo, biết tuốt. Thế nên mình chỉ cần là 1 người mẹ bình thường, liên tục học hỏi từ những sai lầm, trải nghiệm mỗi ngày, và chia sẻ lại những sai lầm, trải nghiệm đó với con.
Cách nuôi dạy con tốt nhất, có lẽ là sống tốt nhất cuộc sống của mình, và chia sẻ lại cuộc sống đó với con của mình, nhỉ!
Bạn có nghĩ vậy không?
22.11.2024
Hang Le Thuy