HÀNH TRANG VÀO LỚP 1 CỦA THỎ BÔNG

Khi con gần vào lớp Một, mình bắt đầu cảm thấy lo lắng. Vào lớp Một là 1 bước ngoặt quan trọng với bất cứ bạn nhỏ nào, đánh dấu một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng để con bước vào 1 thế giới mới, rộng lớn và nhiều trải nghiệm, nơi con không còn là trung tâm của mọi sự chú ý mà dần nhận biết mình là một cá thể trong 1 xã hội rộng lớn. Mình phải làm gì để chuẩn bị cho con? Có điều gì mình có thể hỗ trợ để giúp con bước qua “đoạn đường xóc” chuyển tiếp này một cách êm ái nhất? Mình bắt đầu suy nghĩ, trăn trở, đặt mình vào vị trí của con, và rồi dần dần mình tìm ra từng bước 1 để giúp con tự lập hơn, vững vàng hơn khi bước vào giai đoạn quan trọng này.

Hành trang vào lớp Một của Thỏ Bông, để tóm lại, có lẽ mình chỉ chuẩn bị cho bạn ấy 3 thứ sau:

  1. TỰ LẬP

Dạy con tự lập là cả 1 quá trình dài, tuy nhiên, trước khi bạn ấy vào lớp 1, mình chuẩn bị cho bạn ấy thêm một số kĩ năng. Ngoài việc tự ăn, tự đánh răng rửa mặt, thay quần áo, tắm rửa (trừ gội đầu), mình hướng dẫn bạn ấy tự xử lý sau khi đi vệ sinh (nặng), tạo không gian riêng (phòng riêng) để bạn ấy tự lập chuyện học và ngủ. Đến giờ, bạn ấy đã có thể tự vệ sinh cá nhân, tự ngủ 1 mình (bạn ấy rất thích được ngủ 1 mình).

Nhiều lần mình cũng nghĩ đến việc rèn con ngồi bàn học vào 1 khoảng thời gian cố định buổi tối. Tuy nhiên mình quan sát và thấy bạn ấy khá linh động. Nếu có bài tập, bạn ấy thường tự làm bài (lúc đi học về), và mình cũng khuyến khích bạn ấy tự làm lúc đi học về, để tối là thời gian chơi tự do cho bạn ấy và bố mẹ. Vậy nên mình không đặt nặng chuyện rèn con ngồi học trước khi vào lớp Một. Trong năm học có thể sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với 2 mẹ con, nhưng hiện tại là bạn ấy vẫn học toán, tiếng anh, đọc truyện theo week plan của bạn ấy vào thời gian bạn ấy chọn.

Ngoài ra, việc trang bị kĩ năng tự bảo vệ bản thân cho các bạn trước khi vào lớp Một cũng rất quan trọng. Mình dùng sách để truyền tải nội dung này cho con, vừa là giáo dục giới tính, vừa là tang khả năng đọc cho con. Mình highly recommend các bạn chọn bộ “Những bài học đầu tiên về giới tính” rất thú vị và gần gũi, bạn Thỏ Bông nhà mình rất thích. Bạn ấy cũng học được việc tự ngủ từ 1 cuốn trong bộ này.

Bộ truyện có bạn Thỏ Nghiêng Nghiêng này Thỏ Bông nhà mình rất thích

2. CHUYỆN HỌC CHỮ

Khi bạn ấy được gần 5 tuổi, mình không ít lần băn khoăn: Liệu có nên cho con học đọc, học viết trước?

Để trả lời câu hỏi này, theo mình, không có câu trả lời đúng cho mọi bạn nhỏ. Câu trả lời đúng duy nhất là hãy học cách quan sát và đáp ứng nhu cầu hiện tại của con.

Với Thỏ Bông, mình nhận thấy bạn ấy có hứng thú với chữ viết từ lúc 4 tuổi. Biểu hiện là khi mẹ đọc sách, thay vì nhìn tranh như trước đây, bạn ấy liên tục chỉ vào chữ và hỏi đây là chữ gì hoặc yêu cầu mẹ vừa đọc vừa chỉ tay vào chữ.

Biết bạn ấy đang trong giai đoạn nhạy cảm với chữ nhưng bản thân mình lúc đó còn nhiều băn khoăn và lo ngại việc dạy chữ cho con nên mình đã không tạo cơ hội cho bạn ấy học tiếng Việt sớm. Đến khi vào lớp Năm tuổi, bạn ấy được cô dạy chữ ở trên trường, kết hợp với việc tham gia một nhóm học tiếng Việt online, khả năng đọc của bạn ấy tăng nhanh rõ rệt. Việc dạy chữ hoàn toàn do cô giáo trên lớp bạn ấy dạy, mình chỉ hỗ trợ khi bạn ấy đọc sách và hỏi từ này là từ gì, chứ mình không dạy bạn ấy đánh vần.

Từ khi biết đọc những chữ đơn giản nhất, bạn ấy bắt đầu đọc ngấu nghiến, đọc từ biển quảng cáo trên đường đến từng tờ rơi. Về đến nhà, bạn ấy lao luôn vào giá sách để đọc. Ban đầu chỉ là những cuốn đơn giản, sau dần là những cuốn ít hình nhiều chữ. Vẫn có những từ bạn ấy chưa đọc chính xác, nhưng về cơ bản, khả năng đọc của bạn ấy đã tạm ổn. Những hạt giống tình yêu với sách mẹ dày công vun đắp những năm trước đó cho bạn ấy bây giờ được dịp nở rộ. Bạn ấy thích thú khi tự mình đọc được những câu truyện mà trước khi mẹ đã đọc cho thuộc lòng.

Gieo tình yêu với sách nơi bạn ấy là điều vô cùng tuyệt vời với cả 2 mẹ con!

Quả thực, với mình, việc bạn ấy biết đọc trước khi vào lớp Một rất tuyệt! Không phải vì bạn sẽ chạy nhanh hơn, sẽ đi trước, mà điều mình nhận ra là bạn ấy có rất nhiều thời gian để đọc những cuốn sách bạn ấy thích. Thỏ Bông không cần nhờ mình đọc truyện cho nữa, bạn ấy tự mình đọc những cuốn bạn ấy chọn và cười lên thích thú với những đoạn thú vị. Có những khi mình bận nấu nướng nhưng ngó ra vẫn thấy bạn ấy chìm đắm trong việc đọc sách tới 1, 2 tiếng đồng hồ. Khi đã có tình yêu với sách, việc tự đọc sẽ đẩy các bạn ấy đi rất nhanh.

Còn về chuyện tập viết, bạn ấy mới tập viết được một số nét và chữ cơ bản. Nhìn chung bạn ấy không thích luyện viết lắm mà thích viết kiểu tự do. Mình cũng mới mua cho bạn ấy 1 cuốn vở tập viết. Việc tập viết giờ mình vẫn để cho bạn ấy chủ động, mình cung cấp tài liệu là chính. Việc viết cũng rất hay, nhất là khi bạn ấy thực hành biết ơn hàng tối.

Những lời cảm ơn bạn ấy tự viết rất đáng yêu. Mình đọc toàn phì cười ^^

Với mỗi bạn nhỏ khác nhau chắc hẳn sẽ có câu trả lời phù hợp khác nhau. Điều mình muốn nói ở đây là cha mẹ hãy quan sát con và đưa ra những giải pháp phù hợp với con của mình. Con nhạy cảm với chữ, muốn đọc sớm thì hãy tạo điều kiện để con làm việc đó, vì trước khi vào lớp Một con sẽ tha hồ được tự đọc những gì con muốn. Còn nếu con chưa thích, chưa muốn thì hãy bắt đầu bằng việc cùng con đọc những cuốn sách hay. Hãy quan sát và dõi theo con của bạn!

3. ĐIỀU CẦN CHUẨN BỊ KĨ LƯỠNG NHẤT…

Điều cuối cùng trong hành trang vào lớp Một của bạn Thỏ Bông nhưng lại là điều mình thấy quan trọng nhất, quan trọng hơn cả các kĩ năng hay khả năng đọc, viết. Đó chính là TINH THẦN. Sự chuẩn bị tinh thần mình muốn nói ở đây, cho các bạn nhỏ là ít, mà phần lớn là cho cha mẹ, những người rất quan trọng trên hành trình mới của con!

Con bước vào lớp Một, sẽ là khởi đầu cho các cấp học sau này của con, khi mà cha mẹ ngày càng thấy rõ rệt sự thu hẹp ảnh hưởng của mình lên thế giới của con, thay vào đó sẽ bạn bè, thầy cô của con. Đây chính là giai đoạn để kiểm chứng sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái bền chặt đến đâu.

Con của bạn đương nhiên cần sự chuẩn bị tinh thần cho bước ngoặt lớn này. Nhưng theo mình, người cần chuẩn bị tinh thần nhiều hơn chính là cha mẹ. Bởi từ đây, cha mẹ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy định nghĩa giá trị của con bằng những thành tích con đạt được.

Mình tưởng là mình không như thế.

Nhưng không phải vậy.

Năm Thỏ Bông 3 tuổi, mình tới dự lễ tổng kết ở trường mầm non và rất bất ngờ khi bạn ấy được gọi tên giải Nhất trong cuộc thi vẽ ở trường. Lúc đó thật lòng mình rất vui và sung sướng, mình hoàn toàn không biết điều này nên rất ngạc nhiên và hạnh phúc!

Nhưng rồi trong một khoảnh khắc, mình khựng lại. Mình nhận ra mình đang vui sướng khi con được giải, thế có nghĩa là sao? Nếu vậy thì ở một thái cực khác, nếu bạn ấy không đạt giải mình chắc chắn sẽ buồn và thất vọng?

Mình, một người lúc đó luôn tâm niệm rằng điểm số, thành tích của con không quan trọng, mà quan trọng là niềm vui khám phá, học hỏi, là quá trình nỗ lực của con; thế mà giờ đây, những gì mình đang thể hiện đi ngược lại những gì mình luôn tâm niệm. Và đây với chỉ là lớp học Mẫu giáo, vậy đến khi con vào lớp Một, lớp Hai, những thành tích của con sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào? Những điều mình luôn nghĩ, luôn tâm niệm lúc đó liệu có đi ngược lại với hành động, lời nói, nét mặt của mình như bây giờ không? Trẻ con luôn muốn có sự quan tâm, chú ý, yêu thương của bố mẹ, và chúng cảm nhận rất rõ điều đó qua nét mặt, cử chỉ, hành động của cha mẹ mình.

Từ đó mình nhận ra, sự chuẩn bị quan trọng nhất khi con vào lớp Một chính là sự chuẩn bị tinh thần cho chính mình. Nếu chúng ta luôn tập trung vào kết quả, thay vì quá trình, ta dạy con tập trung hướng đến tương lai, nơi con cần đến chứ không phải là tập trung vào hiện tại, nơi con đang đứng. Nếu chỉ quan tâm đến bảng điểm, thành tích, những điều con sẽ đạt được, ta dạy cho con rằng con hiện tại luôn là chưa đủ, con cần phải có thêm, có thêm nhiều nữa, rằng giá trị của con nằm ở bên ngoài, ở những thành tích con đạt được. Điều này sẽ khiến con trở nên rất mỏng manh, dễ vỡ, rất dễ bị tổn thương khi con không đạt được những gì cha mẹ, những người xung quanh cho là “có giá trị”.

Hãy tự hỏi mình: những kỳ vọng của bạn, việc bạn cho con học vô số thứ, tham gia vô số hoạt động, có nhằm giúp con trở thành con người thật của con, hay đó là vì bạn muốn đắm mình trong vinh quang con mang lại? Có phải những thứ mang theo chữ “của tôi” luôn phải luôn đẹp nhất, giỏi nhất, xuất sắc nhất, và “con của tôi” cũng không phải ngoại lệ? Nếu con bạn không xuất sắc hay hoàn hảo, có phải trong bạn trỗi lên cảm nhận về sự chưa tương xứng?

Hành trình vào lớp Một, hành trình mà phần đông bắt đầu đánh giá 1 con người qua điểm số, qua những bài thi, sẽ là hành trình quan trọng nhất với mỗi đứa trẻ. Nếu bạn chấp nhận con bạn mà không bị ảnh hưởng bởi điểm số con mang về, không phải bởi những gì con đạt được, con sẽ học được rằng GIÁ TRỊ của con nằm ở con người bên trong con, là nội lực, là tinh thần của con, chứ không phải là những con số, những thành tích hay những giải thưởng mà con phải đạt được.

Con học được cách tận hưởng quá trình, tận hưởng niềm vui thú khám phá tri thức, theo mình, đó là điều quan trọng nhất mà con nên được cảm nhận trong quá trình đi học từ đây đến mãi sau. Bởi lẽ không ai có thể ngăn bạn làm điều gì nếu bạn thật sự muốn. Với con cũng vậy. Khi con tận hưởng được niềm vui của quá trình khám phá tri thức, bản năng hiếu kỳ tò mò của con sẽ trỗi dậy, và việc học với con lúc đó đúng nghĩa là tận hưởng một quá trình học hỏi sáng tạo, học như “không học”. Học không còn là nỗi khổ, “phải học” cho bố mẹ, học cho gia đình, mà lúc đó, con sẽ học vì tình yêu, vì sự đam mê khám phá của con. Đó cũng là điều cuối cùng mình hướng tới. Bởi lẽ mình không thể dạy con trong từng môn học, đi sát với con từng tí một. Chỉ có sự đam mê tìm tòi, khám phá, khao khát học hỏi của chính con mới thúc đẩy con đi sâu hơn, nâng cao trí tuệ của chính con.

Khi cha mẹ có sự chuẩn bị về tinh thần, có những suy nghĩ và hành động nhất quán với nhau, lúc đó, việc con đọc, viết, làm toán, nhanh hay chậm hơn một vài nhịp so với các bạn trên lớp, không còn là điều làm cha mẹ nóng ruột, sôi sục, gào thét nữa. Hãy chỉ đơn giản nhớ về khoảnh khắc khi bạn sinh con ra, mong muốn của bạn đơn giản và thuần khiết như thế nào. Bây giờ bên cạnh bạn, vẫn là đứa trẻ ấy, chỉ có mong muốn và kỳ vọng của bạn là thay đổi thôi.

Bởi vậy mới nói, sự chuẩn bị về tinh thần là quan trọng nhất, và nó nên được bắt đầu từ chính cha mẹ. Con cái sẽ không nghe những gì bạn nói, nhưng chúng sẽ làm theo những gì bạn làm. Mình luôn tự nhủ bản thân phải tỉnh táo nhận ra đâu là kỳ vọng của mình, đâu là giá trị của con, tỉnh táo để luôn nhớ con và mình là 2 cá thể riêng biệt, con không phải là công cụ để phóng chiếu nỗi sợ, ước mơ hay mong muốn của mình. Con chỉ là con, và cũng nên cầu chúc cho con luôn dám là chính con. Theo mình, đó có lẽ là món quà to lớn nhất mà cha mẹ có thể dành tặng cho con cái:

Cho phép con được là chính mình!


Nếu bạn thấy muốn đọc những bài viết mới nhất của mình, hãy để lại email để nhận được thông báo nha. Mình sẽ duy trì việc post bài đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Cảm ơn các bạn đã cùng mình lắng nghe và chia sẻ!

Đăng ký để nhận bài viết mới

6 thoughts on “HÀNH TRANG VÀO LỚP 1 CỦA THỎ BÔNG”

  1. Cảm ơn những dòng chia sẻ đầy ý nghĩa của bác Hằng. bác nhớ lời hứa đưa chị Mai Chi ra nhà con chơi đấy. Người lớn là ko đc thất hứa haha

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *