3 BƯỚC CHUYỂN HÓA BẢN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH LÀM CHA MẸ (P1)

Như đã nói trong bài trước, hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn 3 bước chuyển hóa bản thân trên hành trình làm cha mẹ của mình. Vì khó có thể diễn tả hết trong 1 bài viết nên mình sẽ chia mỗi bước thành 1 bài viết để có thể chia sẻ sâu hơn, những trải nghiệm thực hơn.

Hôm nay là bước đầu tiên trong quá trình chuyển hóa bản thân mà mình nhận ra, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất. Mình nhận ra mình không cần phải làm gì cả, không cần phải có cái gì mới làm được, bởi lẽ, bước đầu tiên này chỉ đơn giản là CHẤP NHẬN. Chấp nhận – 2 từ nghe có vẻ thật dễ dàng, nhưng thực tế, để thật sự làm được điều đó, lại không hề đơn giản tí nào…

“NHƯNG MÀ…”

Mình hay được nghe những đoạn đối thoại như thế này:

2 người mẹ nói chuyện với nhau trước mặt những đứa con của mình.

-Chị ơi, bé nhà chị giỏi thế/thông minh thế/ngoan thế/vẽ đẹp thế….

-Ôi, nhưng mà nó bướng lắm/nhát lắm/nghịch lắm/hay cãi lắm/hay tranh nhau với em lắm/học môn này, môn kia kém lắm….

1 đoạn đối thoại rất bình thường.

Người mẹ có thể vì khiêm tốn nên muốn nêu ra 1 điểm nào đó của con mình chưa hài lòng để làm cân bằng với những gì con vừa được khen tặng. Tưởng chừng như chẳng có chuyện gì.

Nhưng vấn đề là người mẹ nói người khác, nhưng lại trước mặt con của mình.

Đây là một điều rất quan trọng.

Những gì ta nói về con với người khác, là những thứ rất quan trọng với con. Là điều con luôn âm thầm lắng nghe, chú ý.

Hai chữ “Nhưng mà” khiến con cảm thấy có lẽ trong mắt cha mẹ, mình chỉ được ghi nhớ với những khuyết điểm ấy, có lẽ mình luôn là “chưa đủ” với cha mẹ…

Là một đứa trẻ, con luôn muốn khao khát sự quan tâm, chú ý, công nhận từ cha mẹ – những người vô cùng quan trọng với chúng. Tại sao người khác công nhận mình, mà cha mẹ lại không công nhận mình chứ?

1 phản ứng có vẻ rất vô thức của ta có thể gây nên những mặc cảm trong con.

Hai chữ “Nhưng mà” xuất phát từ sự cầu toàn, mong muốn kiếm tìm sự hoàn hảo của cha mẹ nơi con cái của mình…

Mình cũng rất hay “Nhưng mà…” mà không nhận ra rằng: Nhưng mà mình cũng đâu có hoàn hảo?

Cha mẹ đâu có hoàn hảo mà mong con mình làm được điều đó trước mình???

Nếu ta biết rằng mình không hoàn hảo, liệu chúng ta có thể chấp nhận con như-chúng-đang-là?

Chấp nhận con

Làm cha mẹ, ai chẳng muốn con mình vừa thông minh, xinh đẹp, học giỏi, ngoan ngoãn, “biết nghe lời”, chăm chỉ làm việc nhà, giỏi ngoại ngữ, giỏi thể thao, năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát…

Những đứa con của chúng ta khác nhau, nhưng có lẽ, “hình ảnh đứa con trong tưởng tượng” của chúng ta khá giống nhau.

Chắc hẳn, đó là hình ảnh của một đứa “con nhà người ta” điển hình!

Trước khi sinh con, mình cũng từng tưởng tượng con gái mình sẽ là một cô nàng “hoàn hảo” theo định nghĩa của mình.

Nhưng…

Thực tế mình đã rất nhiều lần nói chữ “Nhưng mà…” như trên.

Vì theo đuổi “hình ảnh đứa con trong tưởng tượng” của mình nên mình bắt đầu coi những điểm mạnh của con như 1 điều đương nhiên, và chỉ tập trung xoáy sâu vào những khuyết điểm của con.

Mình bắt đầu nói với người khác về những khuyết điểm của con, mình bắt đầu so sánh con với những bạn bè cùng trang lứa, và tệ hại hơn, mình tức giận con không phải là những gì mình tưởng tượng và kỳ vọng.

Mình chỉ biết lao đến một tương lai trong tưởng tượng của mình, mà không nhận ra trong HIỆN TẠI, mình và con đang ở đâu.

Khi tìm thấy bất cứ thứ gì hay ho, mình đều muốn ngay lập tức áp dụng cho con mình, không cần biết con có thích hay không, không cần biết có phù hợp hay không. Nó hay, người ta đã làm được thì con cũng phải làm được!

Mình cố bám chấp, uốn nắn vặn vẹo từng hành vi của con, như uốn 1 cái cây, cố gắng “uốn nó” theo cái “dáng cây” mà mình cho là đẹp.

1 vòng quay luẩn quẩn vật vã. Mẹ khó chịu, con vật vã!!!

Cho đến khi…

Mình chợt nhận ra cái vòng quay vô lý này…

Hít 1 hơi sâu… Mình bắt đầu đưa mắt nhìn về HIỆN TẠI, nơi mình và con đang đứng, để nhận ra con mình…

Con là con, là một bản thể riêng biệt và độc đáo, chứ không phải là “đứa con trong tưởng tượng” của mình.

Và mình tiến đến bước đầu tiên: CHẤP NHẬN CON như CON ĐANG LÀ.

Điều này nói thì dễ, nhưng để làm được không dễ chút nào.

Rào cản lớn nhất nhiều khi không phải ở việc nuôi dạy con, mà là ở việc CHẤP NHẬN đây là đứa con mình được ban tặng.

Khó khăn lớn nhất nhiều khi không phải ở việc thay đổi thực tại khách quan, mà là ở việc điều chỉnh những kỳ vọng của bản thân mình.

Thử thách lớn nhất, nhiều khi không phải ở việc nhìn con trong hiện tại, mà là ở việc xóa bỏ hình ảnh “đứa con trong tưởng tượng” của mình.

Từ khi chấp nhận con như con đang là, mình bắt đầu cảm thấy sự nhẹ nhõm, thoải mái, an yên trên hành trình đồng hành cùng con.

Mình chấp nhận rằng con nhút nhát.

Mình chấp nhận rằng con cần thời gian để làm quen với người lạ và môi trường lạ.

Mình chấp nhận rằng con mít ướt.

Mình chấp nhận rằng con không thích thay đổi.

Mình chấp nhận rằng mặc dù con rất tự tin khi ở nhà nhưng con lại rụt rè và ít nói trước mặt người khác.

Mình chấp nhận rằng con có cách sống riêng của con.

Mình chấp nhận rằng con là một con người riêng biệt, không phải là “bản sao thu nhỏ” của bản thân mình.

Chấp nhận không có nghĩa là để con muốn làm gì thì làm.

Chấp nhận là nơi bắt đầu, để con cùng mình đi trên hành trình thấu hiểu và chuyển hóa của mỗi người.

CHẤP NHẬN MÌNH

Khi chấp nhận được con như đứa con đang là trước mặt mình, mình bắt đầu chấp nhận bản thân mình.

Hay đúng ra, mình chỉ có thể chấp nhận được con là chính con, khi mình chấp nhận được chính bản thân mình.

Mình bắt đầu từ bỏ hình ảnh ảo tưởng “người mẹ hoàn hảo” mà mình nghĩ là mình PHẢI như này, như thế kia, bắt đầu quan sát con để trở thành người mẹ mà con mình cần.

Bước bắt đầu, luôn là CHẤP NHẬN

Mình chấp nhận rằng mình là một con người bình thường với những khuyết điểm và hạn chế.

Mình chấp nhận rằng mình nhiều khi đã gồng mình, để cố gắng trở thành một “người mẹ hoàn hảo” trong mắt con.

Mình chấp nhận rằng không phải lúc nào mình cũng đưa ra những quyết định đúng đắn.

Mình chấp nhận rằng nhiều khi mình bối rối và không biết phải ứng xử như thế nào với con cho đúng.

Mình chấp nhận rằng có những lúc mình nổi nóng vô cớ với con.

Mình chấp nhận rằng mình thường thấy xấu hổ khi phải chấp nhận thất bại của mình.

Mình chấp nhận rằng mình thường mất cân bằng và mất kiểm soát cảm xúc hơn con.

Mình chấp nhận rằng có những lúc mình quá mệt mỏi với những “vai trò” mà mình đang có đến nỗi mất tỉnh táo khi tiếp xúc với con.

Mình chấp nhận rằng có những lúc mình quá bận để có mặt bên con.

Mình chấp nhận rằng thỉnh thoảng mình cũng lộn xộn và cẩu thả (trong khi luôn yêu cầu con gọn gàng, cẩn thận?)

Mình chấp nhận rằng có những lúc mình nhí nhố và làm những việc ngớ ngẩn (trong khi luôn yêu cầu con phải nghiêm túc, trật tự?)

Mình chấp nhận rằng nhiều khi mình quá ích kỉ và đặt quá nhiều ham muốn của bản thân lên con.

Mình chấp nhận rằng nhiều khi mình nóng vội, chỉ chăm chăm đến kết quả mà không nhìn thấy sự tiến bộ hàng ngày của mình và con.

Mình chấp nhận rằng thời gian, sức lực và năng lượng của mình có hạn (Trong khi có quá nhiều thứ muốn làm với con?)

Mình chấp nhận mình, như mình của hiện tại.

Và mình cảm thấy nhẹ nhõm… Giải phóng mình khỏi áp lực của chính mình tạo ra.

Điều này nghe thật buồn cười, nhưng nó là sự thật!

Mình không chạy theo những gì “người ta” cho là đẳng cấp, cho là hiện đại, là “phải có”, phải trở thành nữa. Mình chỉ trở về với chính con người của mình, mình không là cái “định nghĩa” của những người ngoài kia nữa.

Khi mình chấp nhận chính bản thân mình như hiện tại, mình cảm thấy yêu thương và trân trọng chính mình hơn. Không quan trọng phải trở thành 1 ai đó trong tương lai, mà quan trọng là mình nhìn thấy chính mình, đang ở đây. Tại sao mình cần chạy theo những tiêu chuẩn mà người khác đặt ra để được họ “chấp nhận”, trong khi mình còn chưa chấp nhận chính mình, 1 con người bình thường có cả ưu lẫn nhược điểm?

Nếu mình không chấp nhận mình, thì ai sẽ chấp nhận mình?

Thực tế, khả năng chấp nhận con hay người khác chỉ tương ứng với khả năng chúng ta chấp nhận chính bản thân mình.

Vì chỉ khi chấp nhận chính bản thân mình, ta mới yêu thương cả những điều không hoàn hảo của mình, từ đó, ta mới có thể mở rộng dung lượng trái tim để chấp nhận những điều không hoàn hảo, vốn là 1 điều rất bình thường, ở những người khác, trong đó có con của ta.

Vậy nên điều quan trọng, bước đầu tiên trên hành trình chuyển hóa của mình là CHẤP NHẬN.

Nới rộng dung lượng của trái tim, để chấp nhận những điều đang hiển bày trước mắt.

Như hình ảnh hay được thầy Minh Niệm sử dụng trong các bài pháp thoại của mình.

Nếu bạn bỏ 1 nắm muối vào 1 cốc nước, cốc nước sẽ trở nên rất mặn.

Nhưng nếu bạn bỏ nắm muối vào dòng sông, nước của dòng sông vẫn trong lành, ngọt ngào.

Nên vấn đề không nằm ở “nắm muối”.

Vấn đề nằm ở dung lượng trái tim của chúng ta.

Hãy học cách mở rộng dung lượng trái tim, để yêu thương, bao dung với những khuyết điểm, yếu kém trước hết là của chính mình, rồi đến của con và của những người khác…

Chấp nhận, rồi bạn mới có thể chuyển hóa trên nền tảng của yêu thương.

Như một người mắc bệnh, chỉ khi bạn chấp nhận rằng mình bị bệnh, khi đó, tiến trình chữa trị mới có thể bắt đầu diễn ra…

Đây là bước đầu tiên, nhưng cũng là bước quan trọng nhất, để mình tự chuyển hóa, trở thành con người mà mình mong muốn (ko phải là người khác mong muốn), trở thành người mẹ mà con mình cần (chứ ko phải là 1 người mẹ hoàn hảo trong tưởng tượng của mình).

Mình chọn điểm xuất phát không phải là ảo tưởng của mình, mà là thực tại của mình và con.

Hãy hít 1 hơi thật sâu…

Bạn có chấp nhận con bạn?

Hay bạn có chấp nhận chính bản thân mình?

Be yourself, always

Hằng SN


Series bài viết: 3 bước để chuyển hóa bản thân trên con đường làm cha mẹ sẽ được mình post trên blog đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Nếu bạn cảm thấy hứng thú, hãy đăng ký email để nhận thông báo về bài viết mới nhất. Hẹn gặp lại các bạn vào thứ Tư tuần sau với Bước 2 của quá trình chuyển hóa bản thân mình nhé . Cảm ơn các bạn đã đón nhận và cùng mình chia sẻ!

5 thoughts on “3 BƯỚC CHUYỂN HÓA BẢN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH LÀM CHA MẸ (P1)”

  1. Chị ấn tượng nhất phần mở rộng dung lượng trái tim mình. Bài viết thật chi tiết tỉ mỉ và dễ ứng dụng. Cảm ơn tâm huyết của Hằng nhé! Mong chờ những bài viết tiếp theo của em

  2. Lê Thị Lệ Thuỷ

    Cảm ơn em về bài viết, chị đọc xong thấy nhẹ lòng quá em ah! Đúng là ta đau khổ bởi vì ta so sánh hình ảnh đứa con tưởng tượng với đứa con thực tế. “Học cách CHẤP NHẬN để từng bước chuyển hoá trên nền tảng YÊU THƯƠNG”

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *