CÂU CHUYỆN VỀ SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

Buổi tối, tự nhiên cô con gái 5 tuổi bảo:

-Mẹ ơi con sợ Thần Chết lắm

Mình hơi bất ngờ, rồi nhanh chóng đoán ra chắc hôm nay ở lớp nàng được nghe 1 câu chuyện nào đó có thần Chết:

-Sao vậy con?

-Nếu mà khi mình ngủ ấy, thần Chết đến bên cạnh mình và sẽ bắt mình đi, rồi mình không bao giờ tỉnh dậy được nữa.

Nói xong nàng ta quay sang thủ thỉ:

-Đến khi con già đi, mẹ vẫn phải như thế này ở bên con nhé. Con không thích thần Chết đâu.

Mình mỉm cười:

-Con lớn lên thì mẹ phải già đi chứ, sao vẫn mãi như thế này được.

Rồi ôm nàng vào lòng thủ thỉ:

-Chính vì có thần Chết nên mình càng phải  trân trọng từng khoảnh khắc sống bên nhau con ạ. Con yên tâm, mẹ sẽ luôn ở bên con.

Một câu chuyện nhỏ với bạn bé, nhưng lại khơi lên bao nhiêu suy nghĩ trong mình.

Nếu là trước đây, nhất là khi mới sinh con, mình trở nên cực kỳ nhát gan và hay lo sợ, nhất là sợ chết. Luôn tự nhủ mình phải khỏe mạnh, phải sống để nuôi con, chăm sóc và dạy dỗ con. Không có mình thì con sẽ khổ sở biết bao!

Nhưng đến bây giờ, có thể đâu đó nỗi lo sợ ấy vẫn còn, nhưng phần lớn nỗi sợ đã chuyển hóa thành lời nhắc nhở về sự tỉnh thức trong từng giây phút của hiện tại.

Sự sống có thật sự có ý nghĩa nếu không có cái chết?

Cứ tưởng tượng bạn có ai đó được sống vài trăm năm bên cạnh, liệu bạn có trân trọng từng khoảnh khắc sống bên người đó?

Hay cứ tưởng tượng như chính bạn được ban cho thuốc trường sinh bất lão, liệu bạn có trân trọng cuộc đời của mình? Có ngay lập tức làm những gì mình muốn hay là “Để mai tính” vì biết thời gian là vô hạn?

Trước đây, mình hay ngại và tránh né khi nói đến chủ đề này, vì quan niệm nó là điều xấu, không nên nhắc ra. Nhưng sau khi tìm hiểu về cách con người đến với thế giới này, cách họ sống và trải nghiệm, mình cởi mở và nhìn nhận vấn đề thực tế hơn.

Chết là một sự thật. Dù ta có né tránh, e ngại hay không muốn nhắc đến, nó vẫn là 1 sự thật luôn hiện hữu mỗi ngày. Có bắt đầu thì phải có kết thúc, mọi việc từ trước đến nay luôn diễn biến như vậy.

Nhưng quan trọng hơn, khi ý thức được về sự thật này, ta sẽ nhìn nhận rõ hơn sự vô thường trong cuộc sống, sống có tỉnh thứctrân quý hiện tại hơn.

Nếu mình đã sống hết mình, có mặt và hiện diện trong từng giây phút hiện tại với người thân, với từng đối tượng mà mình tiếp xúc, có lẽ là mình đã sống trọn vẹn, những gì còn lại mình đâu thể kiểm soát, sao phải lo âu sợ hãi mà bỏ phí đi giây phút này? Hơn thế nữa, những gì mình đang làm bây giờ sẽ in dấu trong con, trong mọi đối tượng mà mình đang tiếp xúc, chẳng phải là nên ý thức để cho việc “in dấu” đó trọn vẹn, đủ đầy hơn sao?

Và nếu mình thật sự có không còn nữa, thì biết đâu đó là bài học tiến hóa mà con và những người thân xung quanh mình phải trải qua, lo lắng sợ hãi bây giờ liệu có ích chi?

Chính vì thế, sự hiện diện của thần Chết chính là lời nhắc nhở để chúng ta luôn sống hết mình, thật sự hiện hữucó mặt trong phút giây hiện tại. Mục đích ta dành cho tương lai nhưng mối quan tâm của ta là ở hiện tại. Ta phải thật sự có mặt và hiện hữu trong giây phút này, với từng đối tượng mà ta tiếp xúc.

Mà thật ra nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy sống đâu cần mục đích. Sống chỉ đơn giản là sống, là hiện hữu, có mặt trên cuộc đời này, bung nở những giá trị tốt đẹp nhất của mình, thế là đủ.

Đơn giản như bông hoa. Nó không cố nở, cũng không nở vì có người ngắm hay chiêm ngưỡng nó. Bông hoa nở vì nó đang sống, đang hiện diện trong cuộc đời này, dâng hiến cho đời mùi hương thơm ngát và vẻ đẹp bất tận trong 1 khoảnh khắc, để rồi sau đó lụi tàn.

Mà thật sự chết có phải là sự kết thúc? Nếu bạn tin vào luân hồi, nhân quả, tin vào sự tiến hóa của mỗi linh hồn, thì chết, có khi chỉ là 1 khởi đầu cho những bài học và kiếp sống tiếp theo.

Nhân đây mình kể cho bạn nghe câu chuyện về 2 bào thai trong bụng mẹ, biết đâu nó sẽ phần nào gợi lên trong bạn cách nhìn nhận mới về sự bắt đầu và kết thúc, về niềm tin về những điều chúng ta chưa từng trải qua trong cuộc sống.

Có 2 em bé song sinh trong bụng mẹ. Một em bé hỏi em bé còn lại:

-Cậu có tin vào cuộc sống sau khi rời khỏi đây?

-Sao, đương nhiên. Chắc hẳn phải có gì đó sau khi rời khỏi đây. Có thể chúng ta ở đây để chuẩn bị cho chính chúng ta ở giai đoạn tiếp theo – Em bé thứ 2 trả lời.

-Vô lý – Em bé kia đáp lại – Chẳng có cuộc sống nào sau khi rời khỏi đây cả. Cuộc sống đó sẽ như thế nào chứ?

Em bé thứ 2 trả lời:

-Tớ không biết, nhưng có thể sẽ có nhiều ánh sáng hơn ở đây. Có thể chúng ta sẽ đi bằng chân và ăn bằng miệng. Có thể chúng ta sẽ có những cảm giác mà bây giờ chúng ta không hiểu được.

 Em bé đầu tiên trả lời:

-Thật là ngớ ngẩn. Đi bằng chân là điều không thế. Và ăn bằng miệng? Thật kỳ quái. Dây rốn là nguồn cung cấp dinh dưỡng và bất cứ thứ gì chúng ta cần. Nhưng dây rốn rất ngắn. Cuộc sống sau khi rời khỏi đây là hoàn toàn phi lý.

-Nhưng tớ vẫn nghĩ có điều gì đó khác biệt hơn ở đây. Có thể chúng ta sẽ sống mà không cần nhờ vào cái dây rốn này nữa.

-Vô lý. Và hơn nữa nếu có cuộc sống sau khi rời khỏi đây, tại sao không ai quay trở lại đây sau khi đã đi ra ngoài? Rời khỏi đây chắc chắn là kết thúc cuộc sống của chúng ta, và sau khi rời khỏi đây sẽ không có gì ngoài bóng tối, sự im lặng và sự lãng quên. Nó không mang chúng ta đến đâu cả – Em bé đầu tiên nói.

-Tớ không biết nữa – Em bé thứ 2 trả lời – Nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ gặp Mẹ và bà ấy sẽ chăm sóc chúng ta.

-Mẹ? Cậu thật sự tin là có Mẹ? Thật nực cười. Nếu Mẹ tồn tại thì bà ấy đang ở đâu bây giờ? – Em bé đầu tiên hỏi.Bà ấy ở quanh chúng ta. Chúng ta được bao phủ bởi Mẹ. Chúng ta là Mẹ. Chúng ta đang sống trong Mẹ. Nếu không có bà ấy, thế giới của chúng ta không thể tồn tại – Em bé thứ 2 trả lời

-Tớ không nhìn thấy Mẹ, nên về mặt logic, chắc chắn là bà ấy không tồn tại – Em bé đầu tiên đáp.

Em bé thứ 2 trả lời:

-Đôi khi, khi bạn im lặng, thật sự tập trung và lắng nghe, cậu có thể nhận ra sự có mặt của Mẹ, cậu có thể nghe được giọng nói đầy yêu thương của mẹ, từ trên cao gọi xuống.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *