Vì nhiều mẹ hỏi nên mình mới có thời gian ngồi và nhìn lại hành trình đồng hành tiếng Anh cùng con. Bạn nhà mình hiện tại 6 tuổi, thành tích thì cũng không có gì đáng nể, mẹ cũng ko giỏi tiếng Anh, nhưng 2 mẹ con đã cùng đồng hành và cùng nhau gieo những hạt giống về tình yêu ngôn ngữ trong 4 năm. Kết quả hiện tại là chúng mình cùng yêu và sử dụng ngôn ngữ này, có thể không nhiều cũng chẳng siêu, nhưng chúng mình đã coi nó như 1 ngôn ngữ bình thường và dám nói, “dám” sử dụng nó. Câu chuyện có thể chỉ là những việc đơn giản lặp đi lặp lại, mong là có thể hữu ích cho những ai đã từng như chúng mình, loay hoay tìm cách học tiếng Anh cùng con.
MỤC ĐÍCH KHI ĐỒNG HÀNH CÙNG CON HỌC TIẾNG ANH?
Mình bắt đầu không phải bằng câu hỏi HOW – như thế nào?, mà bằng câu hỏi WHY – vì sao mình đồng hành cùng con học tiếng Anh.
Mục đích khi đồng hành cùng con học tiếng Anh của các mẹ có thể rất phong phú: Vì muốn con giỏi tiếng Anh, vì muốn con đạt được chứng chỉ này, bằng cấp kia, vì muốn con du học…
Mình không đánh giá đúng sai, mục đích nào cũng đúng, nhưng với mình, mục đích của mình rất đơn giản: Mình muốn con yêu tiếng Anh.
Ở thời đại này, học cái gì như thế nào không có khó. Chỉ cần 1 click search Google, sẽ có hàng trăm khóa học miễn phí cho nhu cầu của bạn.
Câu hỏi quan trọng là WHY – Tại sao tôi phải học cái đó?
Khi đã có tình yêu, con sẽ tò mò muốn khám phá, tự con sẽ tìm ra cách học phù hợp nhất với con. Mình không thể dạy con tất cả những thứ con muốn, nhưng mình có thể gieo tình yêu với tiếng Anh nơi con, để con biết nó không phải là cái gì quá ghê gớm. Nó tự nhiên, bình thường, như hơi thở, như tình yêu luôn có sẵn.
Vì mục đích của mình là tình yêu – 1 thứ “vô hình” nên không có điểm số hay cột mốc cụ thể nào làm thước đo. Thước đo duy nhất của mình là sự tiến bộ của con. Từ cách con nói những từ đầu tiên đến khi con có thể nói 1 câu dài. Từ việc con “học” qua những thứ con yêu thích đến khi con có thể tự học theo cách con nghĩ ra. Không có điểm số hay khung đánh giá: 2 tuổi phải như thế nào, 3 tuổi phải nói được gì, 4 tuổi sẽ ra sao, 5 tuổi phải làm được gì… Tập nhìn vào vị trí 2 mẹ con đang đứng để cùng nhau tiến bước mỗi ngày.
XUẤT PHÁT ĐIỂM CỦA 2 MẸ CON MÌNH?
Mẹ: Mình không giỏi tiếng Anh, nhưng mình tin mình có thể học cùng con. Thực tế mình đã bỏ mười mấy năm học tiếng Anh lại phía sau để học lại từ phát âm, 44 âm trong tiếng Anh. :))) Gian nan nhưng đáng giá :)))
Con: Khi bạn ấy được tầm 2 tuổi, mình mới cho bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh. Muộn hay không mình không biết, nhưng chỉ biết nó là lúc thích hợp với 2 mẹ con mình, he. Trong suốt hành trình, bạn nhà mình không đi học thêm ở bất kỳ trung tâm tiếng Anh nào. Bạn chủ yếu là học ở nhà và sau này có học thêm ở lớp mẫu giáo từ 4 tuổi.
GIEO NHƯ THẾ NÀO?
Nhìn lại cả hành trình học tiếng Anh cùng bạn ấy, mình nghĩ giống như việc trồng 1 cái cây.
Gieo hạt, tưới tắm, dần dần hạt nảy mầm, mọc lên cây, rồi chăm sóc, bắc giàn để cái cây vươn lên lớn.
Đừng vội đánh giá con bạn có “năng khiếu” hay không.
Hãy nhớ câu chuyện về 2 hạt giống.
Có 2 hạt giống, 1 tốt, 1 xấu.
Hỏi: Hạt nào sẽ mọc thành cây?
Trả lời: Hạt nào mà chúng ta gieo xuống đất.
Hãy gieo rồi bạn sẽ được nhận quả. Con cần sự tin tưởng và kiên trì chứ không phải sự phán xét và dán nhãn.
Mình tạm chia hành trình của bạn Thỏ thành 5 giai đoạn theo thời điểm bắt đầu của bạn ấy.
Đó cũng là hành trình mẹ trở thành 1 “bác nông dân”: Gieo hạt, tưới tắm, nảy mầm, đâm chồi và bắc giàn để “cây” vươn lên.
GIAI ĐOẠN 2 TUỔI – TỪ CHỐI TIẾNG ANH
Mình bắt đầu khi Thỏ Bông được tầm 2 tuổi.
Ban đầu mình bắt đầu bằng những câu rất đơn giản, kiểu như: Apple. This is an apple!
Lúc đó, tiếng Việt của bạn ấy đã khá ổn để bạn ấy diễn đạt những thứ bạn ấy muốn nên bạn ấy từ chối tiếng Anh. Bạn ấy liên tục bảo: mẹ đừng nói thế nữa. Mẹ đang nói gì đấy? Mẹ nói bình thường đi.
Nhu cầu của bạn ấy là có thể diễn đạt những gì mình muốn, và bạn ấy đã có tiếng Việt để làm điều đó nên việc bạn ấy từ chối tiếng Anh (hay bất kỳ 1 ngôn ngữ nào khác) là điều dễ hiểu.
Hồi mới đầu mình cũng hơi lo. Tìm trên mạng người ta cho con nghe tiếng Anh từ bé ơi là bé, song song cùng tiếng Việt. Bạn Thỏ nhà mình nếu theo những cách đó thì được gọi là “tiếp xúc muộn”, bằng chứng là bạn ấy đã thẳng thừng từ chối tiếng Anh.
Thôi muộn thì kệ muộn, kiểu gì cũng có cách. Cách này không được thì mình thử cách khác.
Nên mình đổi phương pháp. Mình cho bạn ấy bắt đầu bằng những bài hát tiếng Anh. Chắc mọi người đã nghe nhiều về phương pháp nghe loa, nghe thụ động, “tắm” ngôn ngữ.
Mình cũng thử áp dụng phương pháp nghe thụ động với bạn Thỏ. Mình cũng cop bài hát tiếng Anh vào loa và bật bất cứ khi nào có thể với bạn ấy.
Kết quả là:
Mình fail.
Bạn ấy từ chối và yêu cầu tắt đi vì nó làm phiền bạn ấy.
Ngẫm lại cũng thấy đúng.
Bạn ấy đang chăm chú tập trung làm các hoạt động như cắt dán, xếp hình… thì liên tục có tiếng ì èo nhí nhéo bên cạnh làm bạn mất tập trung ⇒ khó chịu
Mình là người lớn, đang học cách đơn nhiệm, mỗi lúc làm chú tâm làm đúng 1 việc thôi mà khó vô cùng, thế mà mình lại khuyến khích con mình đa nhiệm: vừa “tắm” ngôn ngữ vừa chơi.
Hơn nữa, việc chỉ nghe 1 cái gì đó trên loa mà không hiểu nó là cái gì, như với bạn Thỏ nhà mình, là không hiệu quả.
Có thể việc nghe loa thụ động hợp với bé nhà bạn. Thật tuyệt, hãy cứ tiếp tục!
Nhưng với bạn Thỏ nhà mình, việc nghe loa thụ động, nếu chỉ để bật lên cho bạn ấy nghe, là thất bại. Nên mình đổi chiến lược khác.
- Thay vì cop tràn lan 10-20 bài hát tiếng Anh như trước đây, mình chỉ chọn 3-5 bài để cop vào loa. Và lặp lại trong 1 tháng. Số lượng không quan trọng, quan trọng là chất lượng. 1,2 bài con thích còn hơn 10,20 bài nó không thèm để ý!
- Thay vì để con nghe thụ động như trước đây, mình cùng con nghe “chủ động“. Nếu bật loa lên, mình sẽ hát cùng loa và làm theo những hành động trong bài hát. Tức là nghe có chủ đích và có sự tương tác với con.
Ví dụ như bài Head, shouders, knees and toes, khi hát cũng chỉ từng bộ phận như lời bài hát. Hoặc là bài one little finger. Nói chung là sẽ có rất nhiều bài hát của Super simple songs mà có các động tác vui nhộn để mình có thể làm theo.
Nhiều bạn nghĩ, sao không để con xem video rồi làm theo có phải nhanh không?
NO. Với mình là không. Mình không dùng việc cho con dùng thiết bị điện tử để đánh đổi với bất cứ mục tiêu nào, kể cả học tiếng Anh, vì mình biết, cái giá phải trả là quá lớn. Không chỉ là về mắt, mà còn về trí não, tâm hồn, sự tập trung, những thứ không nhìn thấy bằng mắt thường. Việc này mình sẽ phân tích kĩ hơn ở 1 bài viết khác. Ở bài viết này, mình chỉ nhấn mạnh mình không lựa chọn thiết bị điện tử để dạy con tiếng Anh dưới 4 tuổi. Từ 4 tuổi trở lên, có thể cho tiếp xúc 15 phút 1 ngày . Đến bây giờ 6 tuổi có thể tiếp xúc 30 phút/ ngày nhưng chia làm 2 lần, mỗi lần 15 phút. (nhưng ngày nào không tiếp xúc vẫn tốt hơn, hehe).
Quay trở lại với chủ đề chính. Từ khi mình thay đổi chiến thuật thành nghe “chủ động”, bạn Thỏ nhà mình hào hứng hơn hẳn. Bạn ấy không từ chối tiếng Anh nữa – tín hiệu đầu tiên để mình biết đang đi đúng hướng. Bạn ấy thích thú làm theo những động tác khi bật những bài hát tiếng Anh lên. Thỉnh thoảng, mình cũng lựa lựa những lúc bạn ấy vui để nói về 2 vài đồ vật xung quanh. Kiểu như: This is a ball, this is a dog, this is a cat… Mặc dù bạn ấy không thèm để ý, nhưng ít nhất là bạn ấy cũng không từ chối nữa!
Giai đoạn 1 – gieo hạt bắt đầu thành công. Ít nhất, bạn ấy cũng chịu mở lòng ra để mẹ “gieo hạt”!
Tài liệu:
Bài hát của kênh Super Simple Songs: https://www.youtube.com/user/SuperSimpleSongs
Những câu hội thoại thông dụng dùng để giao tiếp với con:
File English everyday: https://bom.to/WHMjLSM7JWAYnp
File English for parents and kids: (có cả audio) https://bom.to/bMdf9NJl2zBlhL
Sách Talk to your child (Rất hay và dễ học theo. Sách và video để bố mẹ tham khảo cách nói chuyện với con hàng ngày)
Sách: https://bom.to/yjC3G7jixluL4v
Video:
GIAI ĐOẠN 3 TUỔI: LETTER OF THE WEEK

2 mẹ con mình cứ lặp lại như thế đến lúc hơn 3 tuổi. Trong khoảng thời gian đó mẹ cũng tranh thủ học lại phát âm, từng âm 1 trong 44 âm (may là có nhóm moms love english đi cùng, không là đắm đuối cá chuối chỉ sau chục âm :))))
Đến lúc bạn ấy được gần 3,5 tuổi. Mình quyết định cho bạn ấy học Letter of the week. Nói là “học” cho nó oai thôi chứ thực ra mình chỉ muốn tương tác với con mỗi tuần theo 1 chủ điểm nhất định. Mình không kỳ vọng bạn ấy sẽ nhớ hay thuộc được bảng chữ cái tiếng Anh, cũng không mong bạn ấy sẽ nhớ hết những gì được tương tác, nhưng mình muốn bạn ấy được trải nghiệm nhiều hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Bạn ấy được vẽ, tô màu, cắt dán, vẽ trên cát, chơi với đá,với mì, với muối, với lá cây….. Nói tóm lại là 1 chùm hoạt động theo từng tuần, mỗi tuần với 1 chữ cái.
Ví dụ với letter A, A is for Apple, mình cắt táo ra rồi lấy tăm cho bạn ấy xiên thành chuỗi, hoặc cắt đôi quả táo ra rồi đổ màu ra các đĩa, cho bạn ấy lấy táo nhấn vào đĩa màu rồi ấn lên giấy, kiểu dấu chiện, hoặc làm cây táo với các quả là cái nắp chai cho bạn ấy lắp vào (nhân tiện học về số và lượng luôn), hoặc là vẽ chữ A trên cát….

Nói chung là rất nhiều hoạt động, tối đa hóa trải nghiệm và giác quan của bạn ấy. Chi tiết mình có chia sẻ ở album Letter of the week của mình, mọi người có thể tham khảo thêm. Sau này có thời gian mình sẽ xếp riêng ảnh bạn ấy tương tác với từng chữ cái để mọi người có thể dễ hình dung (Link album: https://bom.to/qoe0st4c1V0brC)
Vì giai đoạn gieo hạt cũng khá dài nên đến giai đoạn này, cái “hạt” bắt đầu nảy những mầm đầu tiên.
Bạn ấy rất thích thú với từng tuần. Mình mua về 1 hình ảnh bảng chữ cái, bạn ấy tự chọn chữ cái để bắt đầu.
Ban đầu bạn ấy chọn tên của bạn ấy để bắt đầu. 3 chữ cái đầu tiên bạn ấy học là C – H – I.
Có 1 điều rất hay là chắc bạn nào cũng hứng thù với các chữ cái trong tên của mình đầu tiên. Không cần phải bắt đầu từ chữ A nha. Vì nhớ thứ tự các chữ cái đâu có để làm gì? Nói thật mình hỏi bạn chữ cái thứ 14 trong bảng chữ cái là gì bạn có biết không? For what? :))))
Chỉ cần bắt đầu bằng thứ bạn ấy có hứng thú, chắc chắn bạn ấy sẽ tự học mà không cần nhiều nỗ lực, hehe.
Giai đoạn này trôi qua với rất nhiều hoạt động thú vị với cả 2 mẹ con. Từ lúc đầu mình cũng muốn chuẩn bị thật kĩ càng, hoàn hảo mới bắt đầu. Sau thì mình kệ, cứ làm đại 1 chữ rồi rút kinh nghiệm làm tiếp. Ngồi lên kế hoạch mãi thì bao giờ mới làm cùng con được, mà biết nó phản ứng như thế nào mà điều chỉnh. Thế là cứ làm tới thôi.
Ban đầu mình cũng in màu các học liệu để bạn ấy thích thú, mua hẳn 1 máy in màu, rồi còn định mua máy ép plastic. Haiz, nếu bạn muốn thì cứ mua, nhưng theo kinh nghiệm của mình, là ĐỪNG MUA, ra ngoài in cho nhanh + tiện + rẻ. Đầu tư 1 chiếc máy + mực + giấy in mình nghĩ ban đầu sẽ rẻ hơn, nhưng không, ngoài tiền bỏ ra mua máy, mình còn phải dành thời gian tâm sức tìm hiểu cách in, cách bảo quản máy (máy in màu đỏng đảnh lắm nha, ko in 1 và ngày là tắc mực đó, dù mình mua máy cũng khác ok, canon LP600 j j đó)
Chưa kể cái tâm lý, đã bỏ tiền ra mua máy rồi là cứ in đi, in đã đời đi, in cho bõ tiền :))) Thế là gặp cái j cũng in, nhìn thấy cái j cũng in, không dùng cũng in =))))
Và điều tệ nhất mà mình nhận ra là: Cái giá thật sự của việc tự in ở nhà không chỉ là tiền máy + mực + giấy in. =)))
Cái giá thật sự của nó là THỜI GIAN, thời gian của mình bỏ vào để in ấn, để bảo quản máy. Bạn cứ tưởng tượng cả ngày đã đi làm, còn cơm nước, nấu nướng, dọn dẹp, thời gian ít ỏi còn lại mà đi mày mò in ấn nữa thì lấy đâu ra thời gian để chơi cùng con?
Thế nên không may (hay may quá!), dùng được 2,3 tháng, cái máy in của mình nó trục trặc, mình mang đi sửa và quên luôn nó đi.
Sau phát hiện ra cứ in trắng đen con mình cùng thích chơi tuốt. 1 khi nó đã thích rồi thì trắng đen hay màu không quan trọng!
Nên ban đầu các mẹ có thể in học liệu màu cho con cho sinh động, in 4,5 lần ở quán xem con thích gì, rồi sau đó có thể chuyển qua đen trắng, đừng ôm máy móc về mệt người thật sự ấy :))))
Quay lại chủ đề chính!
Letter of the week đúng ra là sẽ học trong 26 tuần (6,5 tháng) thôi, nhưng nhà mình đợt đó vì có những tuần con ốm, có tuần mẹ mệt, có tuần đi chơi nên kéo dài gần 1 năm mới xong (lúc bạn ấy hơn 4 tuổi).
Sau khi học con nhớ được bảng chữ cái ko?
Ko, chỉ nhớ đc 1 vài chữ. Nhưng ít nhất con đã bổ sung thêm được 1 số từ vựng thông qua trải nghiệm đa giác quan. Sự tập trung và niềm hứng thú của con tăng lên rõ rệt. Đó chính là thước đo để mình biết đã đi đúng hướng.
Tài liệu:
Album Letter of the week: https://bom.to/qoe0st4c1V0brC
Trang readingmama: https://thisreadingmama.com/
Trang funwithmama: https://www.funwithmama.com/
GIAI ĐOẠN 4-5 TUỔI: PHONICS
Khi con học xong Letter of the week là lúc con gần 4,5 tuổi. Ở khoảng đâu đó giữa những chữ cuối cùng, mình có bổ trợ thêm học letter cho con bằng phần mềm (trong 15 phút/ngày), nhưng không phải ngày nào cũng dùng. Phần mềm đương nhiên là có nhiều ưu điểm vì sinh động, và có cái hay là nó yêu cầu hoặc hướng dẫn bằng tiếng Anh 100%, tư duy Anh-Anh.
Thời điểm đó rất nhiều phần mềm nở rộ, nhưng mình dùng duy nhất cho con 1 phần mềm (và đến giờ vẫn thỉnh thoảng dùng nếu bạn ấy thích), nội dung đầy đủ sinh động, và FREE. Đó chính là Khan Academy Kids. Đầy đủ học từng letter, phonics, số đếm, đọc truyện, vẽ tranh, tô màu…. Nói chung mình thấy Khan là quá đủ cho nhu cầu học bổ sung ngoài tài liệu cứng của bé nhà mình. Đương nhiên như mình đã nói, nó chỉ là phần mềm bổ trợ nên mình không lạm dụng. Hoạt động vuốt và chạm không nên kéo dài quá 15 phút.

Sau khi con hoàn thành Letter of the week, mình để con tự do 1 thời gian (thật ra vì mình bận tập trung vào mình là chính =))))
Sau đó, mình bắt đầu tìm hiểu phonics để đồng hành cùng con. Thôi rồi, rơi vào 1 ma trận phonics: Oxford phonic, Jolly phonic, Hook on Phonics… Tìm hiểu nhiều quá hóa loạn, sau mình chọn tập trung vào 1 cái duy nhất: oxford phonics, vì sẵn sách, sẵn tài liệu.
Học phonic thì bạn hình dung đơn giản là học đánh vần trong tiếng Anh. Đầu tiên sẽ là học chữ cái (con được ôn lại Letter of the week), sau đó học ghép 2 chữ, rồi ghép 3 chữ….
Ví dụ con học: a+t=at ⇒ lắp các chữ cái đầu tiên, ta có: mat, sat, cat, rat, hat…
Con chủ yếu học trên sách, nghe file nghe. Thỉnh thoảng mình có in 1 vài worksheet phù hợp với từ con yêu thích. Mọi người có thể tìm với từ khóa CVC words worksheet, có rất nhiều tài liệu phù hợp với trình độ của từng bạn.
Ban đầu khi bạn ấy học, vì chuyển từ hoạt động nhiều hứng thứ và trải nghiệm (Letter of the week), sang hoạt động bắt đầu tương tác với nhiều sách và học liệu hơn (thường nhàm chán hơn), nên mình cho bạn ấy chơi ghép chữ cho thay đổi. Bạn ấy có thể ghép chữ nam châm, ghép chữ trong phòng tắm hoặc ghép chữ trên bàn. Mình mua 4 cuốn sổ nhỏ, mỗi cuốn sổ viết 1 chữ, cuốn sổ cuối cùng là hình ảnh, để bạn ấy có thể lật giở tìm cho phù hợp. Trò này khá là thú vị. Chữ ban đầu là mẹ viết cho, sau là bạn ấy tự viết.

Đến giai đoạn này, tình yêu và hứng thú với tiếng Anh của bạn ấy đã đủ lớn. Bạn ấy dần có thể tự học mà không cần mẹ hướng dẫn. Thực ra thì đến giờ bạn ấy vẫn chưa đi hết 5 cuốn của Oxford Phonics vì những cuốn càng cuối âm ghép càng nhiều nên có lẽ bạn ấy thấy chưa phù hợp. Mình cũng không ép, quan trọng là con hình thành được những ý niệm ban đầu về việc ghép vần tiếng Anh.
Nói: Thời điểm này bạn ấy bắt đầu có những bài thuyết trình đơn giản về chính chủ đề phonic hoặc điều gì bạn ấy thích. Mình khuyến khích bạn ấy nói và nói lại những gì bạn ấy thích. Điều này giúp khắc sâu hơn khả năng của bạn ấy
Tài liệu: Oxford Phonics, Sight words (bộ 4 cuốn)

File nghe Oxford Phonics (Các mẹ có thể tham khảo xem sách có phù hợp với con không): https://www.youtube.com/watch?v=c0iSTFKJkuo

GIAI ĐOẠN 5 TUỔI: ĐỌC
Vì “hạt” đã được gieo, đã được tưới tắm và nảy mầm nên đến giai đoạn này, cây bắt đầu phát triển nhanh hơn. Ngoài học ở nhà, bạn cũng bắt đầu được tăng tốc khi học thêm thời gian tiếng Anh ở trường mẫu giáo.
Bạn ấy bắt đầu đọc, đọc từ truyện đơn giản như Potato Pals, rồi đến All aboard reading, sách grade seed…
Lúc này bạn ấy bắt đầu đọc razkids. Mình mua tài khoản và khuyến khích bạn ấy đọc để tăng vốn từ vựng. Razkid hay nhất ở phần trả lời những câu hỏi người ta đưa ra theo nội dung cuốn sách. Mình thấy khả năng đọc hiểu của bạn ấy tăng rất nhanh sau 1 thời gian đọc. Có điều razkid có vẻ hơi nhàm chán nên bạn ấy không hứng thú được lâu lắm.

Bạn ấy cũng bắt đầu học nghe, nghe chủ động rất nhiều. Bạn ấy thích nghe truyện cổ tích về các công chúa. Nghe xong vì không có truyện đọc nên mẹ ngồi chép lại hoặc đánh máy lại cho bạn ấy. Chính qua hoạt động này mình thấy khả năng nghe và đọc của con phát triển rất nhanh. Bạn ấy cũng rất thích quay video để đọc truyện cho các bạn nhỏ hoặc video thuyết trình tiếng Anh.
Giai đoạn này như 1 cái cây được hội đủ điều kiện, bạn ấy bắt đầu phát triển nhanh và có những bước tiến rõ rệt thể hiện ra bên ngoài.
Tài liệu:
Bộ sách cho trẻ mầm non, bao gồm cả toán, ngôn ngữ và tư duy (tiếng Anh rất đơn giản, phù hợp với các bạn 5 tuổi):
Sách English Kindergarten: https://bom.to/yANjz1W4mUFb1s
Sách Math Kindergarten: https://bom.to/bwdZVPFn3Sw9HW
Sách Science Kindergarten: https://bom.to/ideCFnrsyDCDoH
Little Fox: Truyện đa dạng, truyện cổ tích chia làm nhiều tập nhỏ, mỗi tập tầm 2 phút, cuối tập có câu hỏi để check đọc hiểu của các bạn. Bạn ấy rất thích, làm hẳn 12 episodes về Cinderella ^^. Mình dùng tài khoản free thôi cũng thấy có nhiều tài liệu lắm rồi. https://www.littlefox.com/
Một số kênh Youtube: Bạn ấy không khám phá nhiều kênh lắm, nhưng mình thấy có vài kênh rất hay ho:
Kênh Cailou: Rất nhiều đoạn hội thoại hàng ngày, từ cùng bố mẹ đi làm hoặc đi bác sĩ, chơi thể thao ở trường… Tốc độ nói phù hợp và bối cảnh rất đa dạng: https://www.youtube.com/channel/UC4yQCVlLhTmOqX5kUkAGr0g
Kênh của Steve and Maggie: (so funny) https://www.youtube.com/channel/UCx1xhxQyzR4TT6PmXO0khbQ
GIAI ĐOẠN (6 TUỔI): TỰ HỌC
Việc gieo tình yêu ngôn ngữ với con giờ là lúc hình thành kết quả rõ ràng. Bạn ấy có hứng thú và tình yêu với ngôn ngữ nên các kĩ năng khá là tự nhiên, không nhiều gò ép.
Nghe: Bạn ấy nghe những truyện bạn ấy thích. Mỗi ngày bạn ấy được xem 20-30 phút trên máy tính, bạn ấy tự biết mở máy, chọn chương trình hoặc gõ tìm kiếm điều bạn ấy muốn xem. Nếu từ nào chưa nhớ cách viết, bạn ấy nhờ mẹ gõ hộ. Vì là những chuyện bạn ấy thích nghe nên nhờ mẹ cop file mp3 vào loa để nghe. Bạn ấy chọn nghe chủ động: Nằm 1 chỗ để nghe hoặc nghe loa trong lúc ngủ. (Bạn ấy ngủ 1 mình nên thích nghe loa trong lúc đi ngủ. Mình thấy điều này rất thú vị vì trong lúc tìm cách học tiếng Anh, mình đã biết đến phương pháp: nghe tiếng Anh trong lúc ngủ để ngôn ngữ ngấm vào tiềm thức. Dù bạn ấy không biết phương pháp đó nhưng đang làm đúng y chang như vậy, haha)
Bạn ấy hay nghe truyện ở kênh Fairy Tales and Stories for Kids (truyện bắt đầu dài hơn và tốc độ nói nhanh hơn) https://www.youtube.com/channel/UCOPzf8kf-FUDs32E7F2wGdg
Nói: Bạn ấy nói nhại lại những gì được nghe: Kể lại chuyện cổ tích bằng tiếng Anh hoặc đóng vai cô giáo dạy các bạn học sinh bằng cách đọc truyện và hỏi…. (tự sáng tạo cách học)
Đọc: Bạn ấy đọc lại sách phonics, các câu chuyện tiếng Anh, nhìn chung là tự chọn, he.
Viết: Giai đoạn này đánh dấu bằng việc bạn tự học viết. Viết thì bạn ấy đúng là tự học, tự chọn cách học luôn. Bạn ấy dùng cuốn phonic để lấy những câu chuyện ra, nhìn theo và viết lại.
Đúng là khi bạn ấy hứng thú với điều gì thì sẽ tự tìm cách có được điều đó.
Mình nghĩ đây cũng là mục đích cuối cùng mà mình hướng tới. Gieo hạt tình yêu ngôn ngữ để bạn ấy có niềm đam mê, tò mò khám phá. Từ đó, bạn ấy sẽ tìm ra cách học phù hợp với mình.
Suy cho cùng, cách học tốt nhất là TỰ HỌC. Một khi bạn ấy đã muốn tìm tòi, khám phá, muốn học thì không có ai hay có điều gì ngăn được bạn ấy cả.
Mà nghĩ tận cùng, nếu đồng hành cùng con, mình cũng chỉ hướng dẫn con trong 1 thời gian nhất định trong khả năng, thời gian và công sức của mình. Chặng đường dài phía trước, nếu không phải vì con có lòng yêu thích, sự say mê thì thật sự là rất khó để con có thể tiếp tục với tiếng Anh.
Mình nghĩ giai đoạn này nếu ví trong trồng cây thì giống như bắc giàn. Khi cây leo lên cao lớn, mình như người bắc giàn, tạo môi trường cho con được tự do, chủ động lựa chọn những gì phù hợp với con để áp dụng. Cây vươn đến đâu, mình bắc giàn đến đó. Không phải là ngồi kè kè bên con, không phải là tuần này yêu cầu con làm những gì hay con đến tuổi này phải đạt được mốc gì. Tạo môi trường thuận lợi để con phát triển, đó là điều tốt nhất mình có thể làm đến thời điểm này.
Hành trình tiếng Anh của Thỏ Bông, nhìn lại cũng đủ dài để 2 mẹ con có thêm thời gian gắn kết, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau trưởng thành. Là hành trình 2 mẹ con mình cùng nhau học, cùng nhau khám phá, qua đó, mình được trải nghiệm có khi còn nhiều hơn con.
Hành trình của bạn ấy, trải qua đúng 4 bước Nghe – Nói – Đọc – Viết như tuần tự của bất cứ đứa trẻ nào học ngôn ngữ.
Bắt đầu là 1 cô nàng từ chối tiếng Anh và 1 bà mẹ 3 không: Không nói được tiếng Anh, không cho con đi học ở trung tâm, không biết cùng con học tiếng Anh như thế nào; cứ mò mẫm, cứ thử sai rồi thử sai, cuối cùng mình và con cũng tìm được những cách phù hợp cho từng giai đoạn.
Hành trình này, chia sẻ lại đây, hy vọng giúp các mẹ tiết kiệm được thời gian không phải loay hoay mò mẫm như mình. Không quan trọng bé nhà bạn mấy tuổi, khả năng tiếng Anh như thế nào, chỉ cần mẹ tạo môi trường phù hợp để gieo hạt giống tiếng Anh vào đúng những “mảnh đất” mà bạn ấy thích, đúng với sở trường, niềm yêu thích của bạn ấ, hành trình sẽ đơn giản nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Enstein nói “Đam mê là người thầy TỐT nhất”. Nhưng mình thấy, với các bạn 0-7 tuổi, “Đam mê là người thầy DUY nhất“. Các bạn ấy sẽ mở toang để đón nhận những thứ mình yêu thích, tò mò và cũng sẽ khép chặt tâm trí với những thứ mình không hứng thú. Đây sẽ là 1 chỉ dẫn rất tuyệt vời để các mẹ bắt đầu cùng con, ngay bây giờ, ngay từ hôm nay, với những thứ con yêu thích nhất. Có thể là vẽ tranh, tô màu, cắt dán, vận động, chơi với nước, cát… Đừng nói bạn không biết con thích gì. Chỉ cần bạn dành thời gian bên con, bạn sẽ nhận ra. Trẻ không bao giờ và cũng không thể giấu giếm được thứ chúng thích. Chúng vẫn ở đấy, chí có điều cha mẹ có nhận ra hay không mà thôi!
Nếu bạn đã có đủ kiên nhẫn đọc đến đây, mình biết chắc là bạn sẽ có đủ kiên nhẫn và tình yêu để bắt đầu cùng con chinh phục tiếng Anh.
Tiếng Anh, suy cho cùng chỉ là 1 ngôn ngữ. Hãy để nó được “sống”, được “sử dụng” mỗi ngày. Con không chỉ được học ngôn ngữ đơn thuần mà còn là ngôn ngữ được thấm tình yêu của bố mẹ. Và tin mình đi, hành trình này, người nhận được nhiều nhất không phải là con, mà sẽ là chính bạn đó! Let’s start!
Be yourself, always!
Hằng SN
——
Nếu bạn thấy những bài viết của mình có giá trị, hãy để lại email để được nhận thông báo về bài viết mới nhất của mình nhé. Mình sẽ đều đặn post bài mới bài thứ Tư hàng tuần. Cảm ơn bạn đã đọc và cùng mình chia sẻ!
Cảm ơn bạn đã chia sẽ những điều này thật hữu ích! Hai mẹ con giỏi quá
Cảm ơn bạn đã đón nhận <3
Cảm ơn chị đã chia sẽ .
Cảm ơn Thông đã đón nhận nha <3
Cảm ơn Hằng đã chia sẻ tâm huyết và hành trình rất cụ thể và cả tài liệu để có thể học theo.
Trong bài viết Hằng có nói về việc không nên cho con trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử quá sớm, rất mong Hằng có thể chia sẻ thêm về việc này vì mình cũng rất quan tâm nhưng không có đủ dữ liệu tham khảo và kinh nghiệm để quyết liệt áp dụng cho con. (Bé nhà mình hiện nay được 30 tháng mình cũng đang rất hạn chế cho bé tiếp xúc với thiết bị điện tử nhất có thể)
Cảm ơn chị đã đón nhận! Chị có thể đăng ký email nhé, em sẽ có 1 bài viết sớm phản hồi chị về vấn đề này 🙂
Chào Hằng, mình là một ông bố 31 tuổi. Mình đang rất cần những chia sẻ của Hằng về sketch note và cách học tiếng Anh. Mình có comment trên youtube, nhắn tin bên facebook, nhưng có lẽ Hằng bận quá không rep được. Mình có thể có cách nào để liên lạc với Hằng không? Hoặc mong Hằng rep mình với ạ.
Cảm ơn anh, xin lỗi anh vì sự chậm trễ nha! <3
Cảm ơn chia sẻ của bạn! ❤️
Cảm ơn bạn đã đón nhận nha! <3
Cảm ơn em đã chia sẻ những kinh nghiệm rất tuyệt vời
<3 cảm ơn c đã đón nhận <3