Ngày trước, hồi mới ra trường, mình từng có mong muốn đi du học nhưng không thực hiện được. Rồi khi có con, mình nghĩ: Sau này mình nhất định mình sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng cho con mình đi du học!
Giờ ngẫm lại, mình thấy suy nghĩ đó thật buồn cười ^^
- Đó là ước mơ, mong muốn của mình, sao mình lại kỳ vọng là con sẽ làm nó? Chẳng nhẽ con cái là công cụ để hiện thực hóa những ước mơ còn dang dở của cha mẹ??? Con đâu có trách nhiệm phải giữ mơ ước của mình chỉ vì con là con của mình? (Chưa kể bây giờ mình ko mơ thế nữa :)))
- Kỳ vọng con đi du học có thể là chuyện tốt, nhưng cái sai của mình là kỳ vọng này được xây dựng trên MONG MUỐN CỦA MÌNH, chứ không phải của con. Nó sẽ là một kỳ vọng thiếu thực tế nếu người thực hiện nó (con của mình) không mong muốn điều này.
Lùi lại và nhìn xung quanh, mình nhận ra hàng ngày có không biết bao nhiêu mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái cũng chỉ xoay quanh những kỳ vọng thiếu thực tế này.
Con phải học trường này, phải đạt được giải thưởng kia, đi thi thì điểm số phải như thế này để đáp ứng tiêu chuẩn kia, đến tuổi này thì phải đạt được mốc kia…
Đó thường là những kỳ vọng của cha mẹ.
Đương nhiên cha mẹ luôn yêu con và mong muốn điều tốt nhất cho con.
Nhưng dừng lại 1 chút!
Có bao giờ bạn tự hỏi: Những điều mình cho là tốt nhất từ đâu đến?
Từ trải nghiệm của bạn? Vậy bạn đã trải nghiệm tất cả mọi thứ trên cuộc đời này chưa?
Từ quan niệm của xã hội? Quan niệm ấy tồn tại từ bao giờ? Liệu trong thời đại 4.0 này có còn phù hợp không?
Từ những cái “người ta” “coi trọng” và “nể phục”? Người ta là ai? Sao lại phải đặt sự coi trọng và nể phục của “người ta” lên trên mong muốn của mình/con mình? Họ có sống hộ mình/con mình được không?
Vậy nên, hãy tỉnh táo! Dù những điều chúng ta coi là tốt đẹp đến đâu, nhưng đó cũng chỉ ở góc nhìn của chúng ta. Chưa chắc con cái chúng ta đã có cùng mong muốn, khát khao đó.
Đặt lên con những kỳ vọng mà không dựa trên mong muốn của chính con mà lại dựa trên mong muốn của cha mẹ, là những kỳ vọng thiếu thực tế.
Đặt lên con những ước mơ còn dang dở của cha mẹ, là 1 điều ích kỷ.
Ước mơ của bạn, chỉ có bạn hiểu và mong muốn nhất, sao lại bắt con bạn phải thực hiện nó?
Sự ích kỷ của cha mẹ và những kỳ vọng thiếu thực tế rất dễ dẫn đến những xung đột, rạn nứt trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ căng thẳng, stress vì con “không nghe lời“. Con cái thì cảm thấy thất vọng vì hiện tại mình luôn là “chưa đủ” với cha mẹ, và nhận ra những mong muốn, khát khao của mình là “vớ vẩn“, “không bình thường” không mắt cha mẹ.
Vấn đề thật sự ẩn sau những kỳ vọng đó chính là nỗi sợ của ta.

Chúng ta sợ những gì không chắc chắn, chúng ta sợ những gì chúng ta chưa biết, ta sợ con được tự do mà không có sự “can thiệp” của ta. Vì thế nên ta muốn bảo vệ con luôn ở trong “vùng an toàn” ta đã vẽ sẵn ra cho con. Nếu con đi theo con đường đó, ta chắc chắn con sẽ có được cuộc sống sung sướng, êm ái, con sẽ làm “rạng danh” gia đình, con sẽ làm ta “nở mày nở mặt” với người khác. Thế mới xứng đáng là “con của ta”??
Điều này thật sự phi lý!
Không phải vì con là một đứa trẻ cần sự nuôi dưỡng, chu cấp của ta mà ta có quyền hành quyết định cuộc đời con.
Con cũng không phải là “vật trang trí” cho cái Tôi to đùng của ta, không phải một chiếc huân chương được đánh sáng bóng và gắn lên ngực của chúng ta để ta kiêu hãnh đi “khoe” với người khác.
Con cũng không phải là công cụ hiện thực hóa những ước mơ khao khát của ta!
Sự thật là….
Bạn không cần con giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân mình, vì sự thật là chỉ bạn có thể làm được điều đó.
Bạn không cần những thành tích, điểm số của con để cảm thấy thỏa mãn, đủ đầy, vì sự đủ đầy luôn đến từ cảm nhận bên trong bạn.
Bạn không cần lo sợ con sẽ làm lung tung khi được tự do, nếu chính bạn từng trải nghiệm sự tự do của bản thân mình.
Bạn không cần con hiện thực ước mơ còn dang dở của bạn, vì bạn biết ước mơ của bạn nên được thực hiện bởi chính bạn – người có mơ ước đó.

Vậy chẳng nhẽ tôi không nên đặt kỳ vọng cao cho con ư? Không nên khuyến khích con thi vào những trường top đầu sao?
Nhưng nếu con bạn không thi đỗ trường top đầu thì sao? Chẳng phải trong con trỗi lên sự kém cỏi, nghi ngờ giá trị của bản thân và “miễn cưỡng” đi học ở 1 trường kém cỏi nào đó không trong top đầu sao?
Theo mình, việc cha mẹ có thể làm là hãy khơi lên mong muốn của con để có thể khớp với kỳ vọng của bạn. Hãy cho con môi trường, trải nghiệm với những điều bạn mong muốn con CÓ THỂ đạt được, để tự trong con cũng khởi phát mong muốn có được điều đó. Đó là cách tốt nhất để cha mẹ và con cái cùng đi về 1 đích đến.
Nhưng hãy tỉnh táo. Và sẵn sàng chấp nhận nếu bạn đã làm hết sức mình, nhưng kỳ vọng của bạn không phải là mong muốn của con. Dù yêu thương con đến đâu, bạn và con vẫn là hai cá thể độc lập. Con là con, và con đến cuộc sống này với sứ mệnh của riêng con. Bạn cũng vậy.
Hãy tôn trọng con và tôn trọng sự khác biệt!
VẬY CHA MẸ CÓ NÊN KỲ VỌNG Ở CON CÁI?
CÓ chứ! Làm cha mẹ ai chẳng có kỳ vọng ở con. Nhưng hãy đặt ra những kỳ vọng để giúp con trở thành con người thật của con, chứ không phải trở thành người mà bạn MUỐN con trở thành!
Trong cuốn “Làm cha mẹ tỉnh thức“, Dr. Shefali nêu ra ba kỳ vọng mà mình thấy rất đúng.
Hãy đặt cho con 3 kỳ vọng: Tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và sự an toàn của bản thân.
Ngoài 3 yếu tố cơ bản đó, con có quyền thể hiện con người mà con mong muốn, cho dù nó không đúng với mong ước của bạn.
Cụ thể, Dr. Shefali nêu ra những ví dụ bạn có thể kỳ vọng:
Kỳ vọng con biết học hỏi, thay vì biết đạt thành tựu
Kỳ vọng con tôn trọng cha mẹ, thay vì nghe lời
Kỳ vọng con biết tìm đến sự tư vấn của cha mẹ, thay vì mù quáng nghe theo mệnh lệnh
Kỳ vọng con nắm vững nghệ thuật sống, thay vì trở thành một ngôi sao
Kỳ vọng con có tầm nhìn, thay vì đi theo ảo mộng của bạn
Kỳ vọng con sống có mục đích, thay vì chỉ “Thành công”
Kỳ vọng con tìm thấy ý nghĩa, thay vì chỉ tìm thấy hướng đi
Kỳ vọng con là người bạn tinh thần, thay vì là con rối của bạn
Kỳ vọng con biết sống trọn vẹn, thay vì không phải trải qua khổ đau
Kỳ vọng con có dũng khí để bắt đầu lại, thay vì không thất bại
Kỳ vọng con biết xin tha thứ, thay vì không làm tổn thương người khác
Thật sự bạn không cần con giúp bạn cảm thấy tốt hơn về chính mình, bạn không cần người khác làm cho bạn thỏa mãn. Sự thỏa mãn, đầy đủ thật sự luôn đến từ bên trong chính bản thân mình. Nếu bản thân bạn không tự cảm thấy đầy đủ thì cho dù bạn có 10 đứa con ngoan ngoãn học giỏi, bạn vẫn sẽ thấy chưa đủ, bạn vẫn sẽ không ngừng chất lên con những kỳ vọng ảo tưởng của chính bạn!
Hãy quay về với chính mình, cho phép mình được là chính mình, rồi bạn sẽ thấy những vấn đề ở con hay người khác bỗng dưng không còn nữa.
Chấp nhận, chuyển hóa và yêu thương bản thân, là cách để bạn trở về với chính bạn, và trả tự do cho con cái và những người xung quanh được là chính họ.
Con chắc chắn sẽ biết ơn bạn, khi con được bạn phóng thích khỏi những ảo tưởng kỳ vọng, khi được bạn chấp nhận và trao đôi cánh để con “tung bay”.
Hãy giải phóng mình ra khỏi nỗi sợ của chính mình.
Hãy chăm sóc và nuôi dưỡng cho con những hạt giống tâm hồn yêu thương, bao dung, vị tha, đồng cảm, lắng nghe, kiên định, bình an, tự do…
Rồi bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng, dù con có “tung bay” đến phương trời nào.
Như chăm một cái cây, bạn chỉ cần nuôi dưỡng cho bộ rễ cắm sâu vào đất MẸ, những “bộ rễ” của giá trị đạo đức, nhân cách sống.
Còn lại, hãy để thân cành lá của “cái cây” phát triển theo hướng của nó.
Đừng cắt tỉa hay ép “cái cây” phải đi về hướng “ánh sáng của bạn“.
Hãy để “cái cây” vươn lên theo phía “ánh sáng” của nó.
Tập trung nuôi dưỡng “bộ rễ” và tin tưởng vào “ánh sáng” của cái cây.

Bạn sẽ là người được hưởng những “quả ngọt”, khi “cái cây” đã trưởng thành, cao lớn và vững chãi trước mọi sóng gió cuộc đời.
Vì “cây” đã có một “bộ rễ” thật to, khỏe, cắm sâu vào đất MẸ.
Nuôi dưỡng con, như nuôi dưỡng 1 cái cây!
Bạn sẽ thấy mọi thứ không phức tạp như bạn nghĩ.
Hãy chỉ nuôi dưỡng và tận hưởng hành trình này!!!
Hi, em Hằng viết hay, đầy đủ luôn. C cũng có những suy nghĩ này, nhưng chưa thực sự sâu lắng như em. Cảm ơn em chia sẻ nhé! C sẽ thầm nhắc nhủ mỗi ngày. Yêu thương
Cảm ơn chị đã đón nhận ạ <3
Chị thích cái cách HangSN đặt vấn đề và giải quyết nó. Thích nhất đoạn làm sao kì vọng.con KHỚP với kì vọng của ba mẹ còn nếu ko thì bắt buộc phải khác đi.
Và cách đặt những điều kì vọng theo những tư duy thật mới ở cuối bài.
Chị tin ngày càng nhiều bậc cha mẹ sẽ được chuyển hóa khi đọc được những bài viết như thế này.Cảm ơn và mong bài viết tiếp theo của Hằng nhé
Em cảm ơn chị đã đón nhận ạ! <3