TÔN TRỌNG CON

Mình thường nghĩ người mẹ tốt là 1 người mẹ tôn trọng con. Và ngày trước mình nghĩ tôn trọng con = tôn trọng quyết định của con trong mọi việc. Sẽ là như thế này:

VD1: Đến giờ ăn cơm:

Mình: Hôm nay con muốn ăn gì? (Trên bàn ăn có thịt, cá, rau)

Con (4t): Con muốn ăn cơm với trứng (Một thứ không có trên bàn ăn)

=> Kết quả: Bà hoặc mẹ sẽ đi rán thêm trứng để đáp ứng nhu cầu của con!!!

VD2: Sáng dậy đi học:

Mình: (Mở tủ quần áo của con) Con muốn mặc bộ nào?

=> Kết quả: Lục tung cả tủ quần áo mới chọn ra bộ con muốn, chưa kể nó không phù hợp thời tiết (quá mỏng hoặc quá nóng) + 2 mẹ con căng thẳng, con mếu máo + muộn học muộn làm…

Sau 1 thời gian “tôn trọng” con theo lối suy nghĩ như thế, mình bắt đầu thấy không ổn. Mình trao cho con quyền lựa chọn quá rộng, dần dần con cảm nhận được quyền uy và quyền lựa chọn của nó, nên liên tục mở rộng lựa chọn và đưa đến những đòi hỏi vô lý với bố mẹ. Kết quả bố mẹ căng thẳng, con căng thẳng, vì đôi khi chính bản thân con không biết nó muốn gì. Trao cho con quyền lựa chọn quá lớn khi con chưa đủ khả năng đưa ra lựa chọn là lỗi của bố mẹ.

Mình bắt đầu suy nghĩ lại về 2 chữ “Tôn trọng”. Và mình phát hiện ra: Tôn trọng con không phải là đưa con lựa chọn và đáp ứng lựa chọn của con trong mọi tình huống. Sai, sai, sai.

Tôn trọng con phải là Tôn trọng RANH GIỚI TRÁCH NHIỆM của con.

Ranh giới trách nhiệm của con là gì?

Ví dụ trong việc cho trẻ ăn:

Trách nhiệm của bố mẹ là Cho con ăn gì, ăn ở đâu và ăn khi nào.

Trách nhiệm của con là: Ăn như thế nào, ăn bao nhiêu và thậm chí là có ăn hay không.

Mọi chuyện sẽ ổn nếu cả 2 bên đều giữ ranh giới trách nhiệm của mình.

Nhưng chuyện thường thấy sẽ là như thế này: Con không ăn hoặc ăn ít, người lớn sẽ dụ dỗ bằng điện thoại, ipad; trong lúc “lừa nó” xem thì ra sức bón lấy bón để cho hết suất. Hoặc nếu không sẽ “hối lộ” trẻ bằng những thứ nó muốn để nó hoàn thành bát cơm.

Những gì diễn ra trong đầu người lớn: “Mình yêu con, thương con nên đành làm như thế”

Những gì diễn ra trong đầu trẻ: “Việc ăn hết bát cơm này là của bố mẹ, mình ăn hết là “làm hộ” bố mẹ nên đổi lại, bố mẹ phải đáp ứng đòi hỏi, quyền lợi của mình.”

Việc vi phạm ranh giới trách nhiệm kéo dài sẽ dẫn đến những thói quen xấu ở trẻ:

Không điện thoại, ipad là không ăn.

Không được đáp ứng những đòi hỏi là không ăn.

Việc ăn uống trở thành cơ hội cho cuộc đổi chác quyền lợi với con.

Bố mẹ phát điên nếu chạy theo các đòi hỏi.

Con cũng sẽ phát điên nếu không được đáp ứng các đòi hỏi.

Đây là một ví dụ rất điển hình về việc vi phạm ranh giới trách nhiệm.

Vậy nên, việc của bố mẹ là xác định rõ ranh giới trách nhiệm của bố mẹ – con cái. Và không vi phạm ranh giới đó.

Ranh giới cân bằng, quyền lực cân bằng.

Ranh giới bị vi phạm, quyền lực nghiêng về bên bị bên kia vi phạm.

Trong trường hợp này, bố mẹ vi phạm ranh giới trách nhiệm của con, nên con đương nhiên là người có quyền lực hơn.

Mục tiêu ban đầu của bố mẹ là tôn trọng và yêu thương con.

Giờ biến thành: Nuông chiều và chạy theo những đòi hỏi của con.

Đến lúc không đáp ứng nổi nữa thì kết quả thường thấy là: Bố mẹ nổi điên, cáu giận, quát mắng, thậm chí đánh con. Con ăn vạ, mè nheo, đòi hỏi leo thang một cách khủng khiếp.

Một cái kết không có hậu, chỉ vì bố mẹ muốn tôn trọng con.

Vậy nên nếu muốn tôn trọng con, hãy tôn trọng RANH GIỚI TRÁCH NHIỆM của con. Và của chính mình!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *