Covid-19 & 3 điều khiến mình “câm nín”

Thời gian gần đây, dịch bệnh covid-19 đã lan rộng đến khắp cả nước, đặc biệt ở các tỉnh thành phía Bắc. Mình không nghĩ đến một ngày thành phố mình đang ở có đến hàng nghìn ca F0 mỗi ngày. Rất nhiều người thân, bạn bè xung quanh mình đã bị covid.

Bởi vậy, để “cập nhật tình hình thời sự”, mình sẽ chia sẻ trong post này, 3 bài học mà mình nhận ra kể từ khi covid đến đây.

Trước nay, những điều này mình ít chia sẻ, vì mình nghĩ mỗi người sẽ có 1 quan điểm khác nhau. Nhưng có lẽ, giờ là thời điểm thích hợp.

Dù bạn thấy nó như nào, thì nó cũng là đúng, với bạn 🙂

Covid-19 và 3 điều khiến mình phải “câm nín”….

Bài học số 1: Tại sao covid xuất hiện?

Âm thầm, lặng lẽ xuất hiện ở 1 thành phố của Trung Quốc, từ đầu năm 2020 đến nay, covid đã khiến cho cả thế giới phải liên tục “chỉ mặt, gọi tên”.

Nhưng có khi nào bạn tự hỏi: Covid xuất hiện từ đâu?

covid19 coronavirus red virus cell spread background concept

Đương nhiên, nhiều người có thể trả lời: Là 1 loại virus lây từ động vật hoang dã sang con người.

Đúng. Đó là nguyên nhân vẫn được các nhà khoa học giải thích.

Nhưng nếu nói vậy, thì động vật hoang dã đã có từ rất lâu, tại sao bây giờ mới xuất hiện covid? Sao trước đó nó không lây cho con người, nếu nó đã tồn tại trước đó?

Thật phi lý nếu mọi thứ đều có nguyên nhân, trừ cái nguyên nhân đầu tiên, phải vậy không?

Với mình, covid xuất hiện, có lẽ như một “chiếc phanh” khổng lồ, khiến cả thế giới gần như ngay lập tức phải “dừng lại”.

Nếu bạn còn nhớ, từ ngày đầu covid xuất hiện, chúng ta mới được biết đến những cụm từ “cách ly, giãn cách xã hội”, chúng ta mới được chứng kiến cả thế giới “ngừng sản xuất” trong 1 vài tuần, thậm chí là 1 vài tháng.

Mọi thứ hoàn toàn dừng lại! Thật là 1 điều chưa từng có!

Dừng lại. Chúng ta mới có dịp nhận ra. Chúng ta đang ở trong 1 guồng quay vội vã. Lúc nào cũng lao lên, phải có nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Phải nhanh hơn, nhiều hơn, mà không biết, mình nhanh hơn, nhiều hơn để làm gì, giống như trong miêu tả của “Hoàng tử bé” (Antoine de Saint-Exupéry) : Họ chui vào những chuyến tàu nhanh, nhưng họ chẳng biết mình tìm kiếm cái gì. Thế mà họ cứ cuống quýt lên, quay cuồng lên.

Có vẻ như có điều gì đó bên trong chúng ta kêu gào rất lâu rồi, nhưng ta cố tình ngó lơ, cố tình bỏ qua, để đến khi phải dùng “biện pháp mạnh”, phải cắt đứt hết mọi cơ hội lao ra bên ngoài, phải lock down chúng ta lại, thì chúng ta mới có cơ hội nhìn lại chính mình!

Không được đi ra bên ngoài, chính là cơ hội để chúng ta có thể đi vào bên trong chính mình.
Nếu chúng ta không làm điều đó bây giờ, sẽ chẳng có cơ hội nào thuận lợi hơn thế nữa!…

Bài học số 2: Covid diễn ra như thế nào?

1. Tại sao covid lại lây từ động vật hoang dã sang người? 

Liệu đó có phải là “cái tát” cực mạnh để con người nhận ra: Chúng ta đang hủy hoại các sinh vật khác như thế nào, chúng ta đang dồn những sinh vật khác vào đường tận cùng như thế nào?

Để hiểu thêm điều này, các bạn có thể đọc cuốn sách “Homo Sapiens – Lược sử loài người” (Yuval Noah Harari) để biết, con người từ khi xuất hiện đến nay, đã gây ra “Thảm họa diệt chủng” cho bao nhiêu loài sinh vật như thế nào? Và liệu chúng ta có thật sự ở “đỉnh” của các sinh vật và có quyền hành xử như một “động vật bậc cao” vậy không? 

2. Tại sao covid lại tấn công vào phổi con người?

Sẽ có rất nhiều lý giải khác cho vấn đề này. Nhưng nếu bạn còn nhớ, trong năm 2019, trước khi covid xuất hiện, rừng Amazon – nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Trái Đất đã có hàng loạt vụ cháy rừng diện rộng, gây tổn hại to lớn đến thảm thực vật, sự sống của hàng trăm nghìn loài sinh vật và ảnh hưởng đến bầu khí quyển thế giới.

Không dừng lại ở đó, mùa hè năm 2019 được gọi là “Mùa hè Đen” ở Australia, khi số vụ cháy rừng cao kỷ lục và kéo dài hàng tháng trời, đặc biệt là vụ cháy kéo dài đến cuối năm 2019, làm chất lượng không khí của nhiều nước lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đám bụi cháy di chuyển liên tục trong hàng tháng trời.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy rừng, do nạn đốt rừng canh tác kết hợp với thời tiết khô hạn kéo dài. 

Các bạn có thấy điều gì ở đây không?

Hai lá phổi” khổng lồ của Trái Đất bị tấn công, âm ỉ, dai dẳng. Sự sống của hàng triệu triệu loài sinh vật bị hủy hoại…  Nguyên nhân phần lớn là do con người.

Ngay sau đó, liệu có phải ngẫu nhiên, khi đầu năm 2020, covid xuất hiện và tấn công lá phổi của con người?

Nếu bạn để ý sẽ nhận ra: Không có gì là ngẫu nhiên cả!

Mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Và sẽ luôn có những “tín hiệu”, những lời “nhắc nhở” báo hiệu cho bạn trước.

Đọc đến đây, có thể nhiều bạn nghĩ mình “tâm linh”, “đoán mò”, không có cơ sở khoa học.

Có thể các bạn đúng!

Nhưng mình tin, có một sự liên hệ giữa những điều đang xảy ra, và covid đang là “sứ giả” để truyền đi những thông điệp đó!

3. Đỉnh điểm của dịch covid-19!

Khi nhắc đến đỉnh điểm của dịch covid-19, thời điểm mà thế giới vẫn còn e dè, còn nhiều ca nặng, còn giãn cách xã hội, thì không ai có thể quên hình ảnh đất nước Ấn Độ khi bị Covid tấn công. Hình ảnh những người chết ngập tràn trên các phóng sự, gần như không còn chỗ để hỏa táng người, những bãi chôn tập thể… Những hình ảnh ám ảnh đó, chắc ít ai quên được. 

Thời điểm đó, mình cũng thắc mắc: Tại sao lại là Ấn Độ? 

Và sau đó, mình cũng đã có câu trả lời! Có thể mọi người không tin, hay nói nó không liên quan, nhưng mình tin, nó là 1 thông điệp!

Nói đến Ấn Độ, các bạn sẽ nghĩ đến điều gì? 

Có phải là một đất nước tâm linh, với nhiều đền thờ, đạo giáo, với những tín đồ tôn giáo trùm khăn che kín mặt…?

Thời điểm đó, khi cả thế giới còn đang rất e dè, yên ả, thì nổi lên Ấn Độ như 1 “điểm nóng” về covid, liệu có phải chỉ là ngẫu nhiên?

Liệu có phải Ấn Độ đang đại diện cho 1 phần nào đó, có trong mỗi chúng ta?

Với mình, Ấn Độ chính là đại diện cho phần “tâm linh” có trong mỗi con người chúng ta!

Trong nhiều năm gần đây, với sự phát triển của chủ nghĩa vật chất, con người dường như quên hẳn phần “bên trong”, phần “con người tâm linh” của mình, mà chỉ hướng ra bên ngoài, có thêm thật nhiều tiện nghi vật chất, nhiều khi đạp đổ lên tất cả những giá trị tinh thần của mình để có được những tiện nghi vật chất đó.

“Tiếng nói bên trong”, con người tinh thần của chúng ta vẫn lên tiếng, nhưng ta cố tình lờ đi, cố tình không lắng nghe nó, để ném mình vào những lao xao, vội vã cuồng quay bên ngoài. 

Ấn Độ bị tổn thương, phần “tâm linh” trong mỗi chúng ta cũng đang bị tổn thương. 

Với mình, nó chẳng khác gì lời nhắc nhở: Hãy nuôi dưỡng những giá trị tâm linh bên trong mình, hãy cho mình có cơ hội trả lời tận gốc câu hỏi: Mình là ai? Mình sống ở trên cuộc đời này với mục đích gì? 

Hãy đừng ngưng hỏi, cho đến khi bạn thấy câu trả lời!

4. Tại sao phải đeo khẩu trang? 

Có bao giờ bạn tự hỏi mình như thế?

Khi covid đến, chúng ta chắc hẳn đã thuộc lòng quy định 5K, dù ở Việt Nam hay ở các nước phương Tây cũng phải quen với việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người…

Mình nghĩ, cái khẩu trang không chỉ hạn chế virus lây lan, mà nó còn muốn nhắc chúng ta: Hãy nói ít lại. Hãy hạn chế nói những điều vô nghĩa, tào lao, những điều không đúng sự thật.

Và khi chúng ta nói ít lại, tự nhiên có 1 điều sẽ xảy ra!

Chúng ta sẽ lắng nghe được nhiều hơn. Chúng ta sẽ lắng nghe được những thông điệp, những tiếng nói nhỏ bên trong mình 1 cách rõ ràng hơn! 

Bài học số 3: Khi covid trở nên bình thường hóa!

Quay lại với thời điểm này, đầu năm 2022, khi số ca mắc mới mỗi ngày ở mỗi tỉnh thành đều lên con số hàng nghìn, FO hay “2 vạch” trở thành những thứ xuất hiện liên tục ở mọi nơi, mình được nhận ra 1 bài học nữa, về quá trình của cả vấn đề, mà cả bạn và mình, đều là những “nhân chứng sống” cho thời điểm lịch sử này.

Quay lại đầu năm 2020, khi lần đầu tiên covid xuất hiện, cả thế giới đã bị rung chuyển khiếp sợ vì mức độ tàn phá của nó. Ai cũng trở nên sợ hãi, lo sợ, chính phủ các nước liên tục giãn cách, cách ly.

Mình còn nhớ như in thời điểm này năm 2020, khi cả nước mới xuất hiện vài ca dương tính thôi, là đã giãn cách xã hội 14 ngày, ai ở yên trong nhà người đó, không đi ra khỏi nhà. Mọi người ai cũng lo sợ, ai cũng bàn tán về covid và chứng kiến mức độ tàn phá của nó với các nước châu Mỹ và châu Âu. Việt Nam trở thành điểm sáng trong công tác phòng chống dịch, khi là nước ngay cạnh Trung Quốc nhưng lại có số ca lây nhiễm rất ít.

Thời điểm này mà nhắc lại ký ức của những ngày đầu covid xuất hiện, chắc không ai quên những cột mốc như ca dương tính N 17 ở Hà Nội, rồi lịch trình của những F0 đời đầu bị truy cứu như thế nào, rồi đỉnh dịch và giãn cách xã hội kéo dài ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, rồi tiếp sau là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… 

Những thời điểm “dậy sóng” đó, những lo sợ, hoang mang của hàng triệu triệu con người đổ về 1 vài nơi, cảm giác đó, chắc ai đã từng trải qua không thể quên được.

Khi covid chưa đến nhà mình, chưa ở trong “tầm mắt” của mình, thì vẫn nghĩ nó đang ở 1 nơi nào xa lắm…

Thời điểm đó, mọi người cứ đùa vui: Ngày xưa, nhà ai có con ở nước ngoài/HN/ TP HCM… về là “oai” lắm, ai cũng sang chơi. Mà bây giờ, hễ thấy ai ở vùng có dịch về là cách ly, không dám lại gần ^^

Mới 2 năm trước thôi, mà giờ nói lại, cứ như đã là ở thời điểm nào xa xôi lắm!

Đến thời điểm này, tỉnh thành nào cũng xuất hiện covid, số ca nhiễm mới lên hàng nghìn người mỗi ngày, thì covid lại được “bình thường hóa”, coi như 1 điều rất bình thường!

Mới chỉ 3 năm thôi, mà 1 đại dịch, 1 vấn đề kinh khủng như covid đã như vậy, thế bạn cứ tưởng tượng, 2 năm sau nữa, nó sẽ như thế nào?

Bạn có tưởng tượng, khi mình nói với con mình, những đứa trẻ mới sinh từ năm 2022 về sau, những điều kinh khủng của đại dịch covid – liệu chúng có cảm nhận được?

Chỉ đơn giản như cha ông chúng ta – kể cho chúng ta thời đại này – về sự kinh khủng của chiến tranh đã qua – liệu chúng ta có cảm nhận được?

Vậy nên, nếu bạn nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ thấy, 1 vấn đề – dù hiện tại nó khủng khiếp, không thể chịu đựng được, không thể tin được như thế nào, sau 1 thời gian nữa, nó cũng sẽ trở nên bình thường!

Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả!

Bởi vậy, mỗi khi đối diện với vấn đề dù to lớn như thế nào, hãy cứ “zoom out” cuộc đời mình ra, hãy tự hỏi mình: Liệu sau 1 năm, 2 năm hay 5 năm nữa, đây có còn là vấn đề kinh khủng với mình? Hay liệu sau 1 tháng, 1 tuần, thậm chí là 1 ngày, vấn đề đó, nó thật sự không khủng khiếp như mình nghĩ, không tồi tệ như mình tưởng?

Bạn cũng như mình, đều là những “nhân chứng sống” cho vấn đề của covid, đều thấy tiến trình đã diễn ra như thế nào!

Rồi chỉ cần 2 năm, thậm chí là 1 năm nữa thôi, mọi người sẽ coi nó là “bình thường”, thậm chí không ai còn thèm nhớ lại mình đã trải qua như thế nào – 1 điều mà cách đây 3 năm, nó được coi là “đại họa”, là sự kiện “thay đổi thế giới”!

Rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi!

Chúng ta cũng vậy, dù đã mắc hay chưa mắc, rồi chúng ta sẽ ổn cả thôi!

Covid đến, như 1 “sứ giả” đưa đến cho chúng ta các vấn đề. Nhưng đừng để vấn đề đó trôi đi vô nghĩa!

Hãy coi vấn đề như 1 sự tử tế, hãy dùng nó để học các bài học cho cuộc đời mình!

Rồi bạn sẽ nhận ra: Điều gì xuất hiện trong cuộc đời mình đều có lý do của nó! 

Bạn và mình, chúng ta đều phải “học”, đều phải trưởng thành từ các vấn đề này, bởi vậy, bằng chi hãy học sớm và “tốt nghiệp” nó, phải vậy không?

Be yourself, always!

Hằng SN


Nếu bạn yêu thích những bài viết của mình, hãy đăng ký email để được nhận thông báo về những bài viết mới nhất của mình nhé. Mình sẽ post bài đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Cảm ơn các bạn và hẹn gặp lại các bạn vào thứ Tư tuần sau!

Đăng ký để nhận bài viết mới

2 thoughts on “Covid-19 & 3 điều khiến mình “câm nín””

  1. Cao Hải Vân

    Chị đã đọc bài của Hằng và chị cũng đồng ý và đồng cảm với quan điểm đó. Sáng nay chị cũng vừa nghĩ đến những cái “được” với mình qua đại dịch Covid. Chị rất ngưỡng mộ Hằng trẻ tuổi mà rất giỏi, suy nghĩ đã rất chín chắn. Chúc em luôn bình an, khỏe mạnh và có nhiều sản phẩm hay hơn nữa.

    1. Em cảm ơn chị Vân đã đón nhận ạ. Cảm ơn sự ủng hộ của chị rất nhiều ạ! <3 Chúc mừng chị với những cái "được" chị vừa nhận ra ạ <3

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *